Tuần qua, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hàng loạt hội nghị tuyên truyền, phổ biến và lấy ý kiến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, thì Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2016, với chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào”. Một nhận định được nhấn mạnh trong báo cáo của WB, là năng suất nước sử dụng cho nông nghiệp ở Việt Nam quá thấp, trong khi theo những số liệu mới nhất, khoảng 80% lượng nước ngọt sử dụng tại Việt Nam là dành cho nông nghiệp. Cũng phải nói thêm rằng, 60% tổng lượng nước ngọt của Việt Nam bắt nguồn từ các nước khác, do đó tính chủ động không cao. Bên cạnh đó, lượng nước lại không phân bổ đều: có tới 3/4 chỉ tập trung trong khoảng 3 - 4 tháng.
Vẫn theo báo cáo của WB, tuy Việt Nam có mạng lưới thủy lợi rộng khắp, nhưng hầu hết để phục vụ trồng lúa, có “tuổi đời” 30 - 40 năm; lại thường không có hệ thống đo lường và điều khiển dòng chảy chính xác, mà chủ yếu dựa vào phương pháp cho nước chảy từ ruộng này sang ruộng khác. Do đó, hệ thống thủy lợi hiện tại nói chung khó có thể cấp nước một cách linh hoạt và đáng tin cậy. Nhiều công trình thủy lợi chưa được xây dựng hoàn thiện, dẫn đến thất thoát nước trong vận hành. Rất nhiều công trình chỉ khai thác được 60% - 70% công suất, nghĩa là một hệ thống được thiết kế để phục vụ 100ha thì chỉ phục vụ tốt khoảng 60 - 70ha.
Song song với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi - vốn đòi hỏi kinh phí đấu tư không nhỏ, cũng có những giải pháp không quá tốn kém khác có thể giúp thay đổi điều này. Đơn cử, việc luân canh hoặc chuyển đổi cây trồng sẽ giúp tăng năng suất nước rất đáng kể. Việc luân canh lúa/mía giúp sản lượng đầu ra trên một đơn vị nước sử dụng tăng tới 10 lần so với độc canh cây lúa.
Thực hành tưới tiết kiệm cũng là một giải pháp quan trọng làm tăng sản lượng nông sản và giảm áp lực lên nguồn ngầm. Ngành cà phê được phân tích như một ví dụ điển hình. Trước đây, người nông dân trồng cà phê được khuyến nghị tưới 650 lít/cây/đợt và thực hiện tưới 3 đợt. Trên thực tế họ thường tưới gấp đôi. Song những nghiên cứu mới nhất cho biết, trong những năm có lượng mưa trung bình thì lượng nước tưới tối ưu dao động từ 364 - 456 lít/cây/đợt và thực hiện 3 đợt một năm, nghĩa là chỉ bằng 70% so với mức khuyến cáo hiện nay và chỉ bằng 1/2 hoặc thậm chí 1/3 lượng nước thực tế được sử dụng. Tại Tây Nguyên, khuyến cáo này càng có ý nghĩa, bởi khu vực này đang ngày càng phải đối diện với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu với lượng mưa và thời điểm mưa tập trung thay đổi đáng kể so với trước đây, trong khi mực nước ngầm đã bị sụt giảm nghiêm trọng kể từ đầu những năm 2000, do bơm hút nước ngầm quá nhiều. Không chỉ giúp giảm tác hại của “dấu chân môi trường” trong hoạt động nông nghiệp, thực hành tưới tiết kiệm còn tiết kiệm đáng kể chi phí cho người nông dân, vì tuy không phải chi trả đầy đủ tiền nước ngầm hoặc phí thủy lợi, nhưng chi phí lao động, vật tư tiêu hao trong quá trình bơm tưới không cần thiết sẽ bị mất đi vô ích.
ANH THƯ