Lại có thêm những tiết lộ gây sốc của cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về hoạt động do thám toàn cầu. Tờ Guardian của Anh dẫn tài liệu của Snowden cho biết, các cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Điển cũng đang hợp tác với Anh tiến hành các chương trình do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn trên toàn thế giới.
Đủ trò theo dõi
Theo Guardian, Cơ quan tình báo thông tin của Anh (GCHQ) - vốn thân cận với Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) - nắm giữ vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ các nước khác lách các đạo luật hạn chế do thám. Các cơ quan tình báo tham gia vào chương trình này đều “có chân” trong một liên minh “lỏng lẻo nhưng đang dần lớn mạnh” và họ đã tiến hành do thám bằng cách truy cập trực tiếp vào hệ thống cáp quang hay thông qua các mối quan hệ bí mật với nhiều công ty viễn thông.
Để minh chứng cho thông tin đăng tải, Guardian dẫn kết quả một cuộc khảo sát xuyên quốc gia do GCHQ tiến hành năm 2008 cho thấy Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) đã truy cập hệ thống cáp quang và có đủ tiềm năng công nghệ cũng như kỹ thuật xâm nhập vào trung tâm hệ thống internet. Để thực hiện công việc này, các đặc vụ Anh đã giúp BND thay đổi hoặc lách các đạo luật về bảo vệ thông tin liên lạc. Trung tâm tình báo quốc gia Tây Ban Nha (CNI) cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự thông qua quan hệ với một công ty viễn thông của Anh.
Trong khi đó, Cơ quan tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) hợp tác với GCHQ bẻ khóa hệ thống mã hóa trực tuyến để thu thập các thông tin cần thiết từ một công ty viễn thông. Dưới sự giúp đỡ của Anh, quốc gia Bắc Âu Thụy Điển đã thông qua một đạo luật vào năm 2008 cho phép truy cập hệ thống cáp quang và luôn hợp tác chặt chẽ với London trong việc tiến hành các hoạt động truy cập này.
Các chính phủ châu Âu bối rối
Tiết lộ mới nhất làm bối rối các chính phủ châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức - hai nước lớn tiếng nhất trong việc chỉ trích chương trình do thám toàn cầu của Mỹ. Đức và Brazil còn đang hợp tác soạn thảo nghị quyết lên án gián điệp trình Đại hội đồng LHQ. Cơ quan tình báo Đức biện minh rằng họ chỉ trao đổi kinh nghiệm với tình báo Anh và một số nước châu Âu về vấn đề kỹ thuật do thám chứ họ không làm gì vi phạm luật. Cơ quan tình báo Thụy Điển thì cho rằng tất cả các hoạt động của họ đều nằm trong khuôn khổ pháp lý và trong tầm kiểm soát của luật pháp Thụy Điển, tuy nhiên việc hợp tác với các cơ quan tình báo các nước là việc tự nhiên.
Trong khi đó, uy tín và sự tin cậy với đương kim Tổng thống Mỹ đã suy giảm đến mức một số tờ báo ở Đức và Pháp viết rằng: Ông Barack Obama đang nhanh chóng tiếp cận trình độ “khó ưa” mà cư dân cựu lục địa từng dành cho người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống George W.Bush. Ở Berlin, Paris và Brussels, thậm chí người ta còn nói về việc xem lại hàng loạt thỏa thuận với Mỹ trên nhiều lĩnh vực mà theo như cách biểu đạt của Thủ tướng Đức Angela Merkel, trước tiên “cần phải khôi phục lòng tin”. Để khôi phục niềm tin, Nhà Trắng đã hứa tập trung xét xem những cuộc cải cách “tận gốc” NSA.
Chuyên gia nghiên cứu chính trị của Nga, ông Vladimir Slatinov, cho rằng xì căng đan phát sinh không phải vì tình báo Mỹ tiến hành dò xét châu Âu, bởi gián điệp là chuyện tồn tại lâu nay. Châu Âu bị sốc là bởi mức độ ngang nhiên và quy mô triển khai hoạt động gián điệp của người Mỹ.
Chính phủ Đức và Mỹ đang đang chuẩn bị ký thỏa thuận song phương về việc không do thám lẫn nhau. Tờ “Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung” của Đức số ra ngày 3-11 cho biết, phái đoàn các quan chức Văn phòng Thủ tướng và tình báo Đức đã đạt được thỏa thuận trên tại cuộc hội đàm với các đại diện của phía Mỹ ở Nhà Trắng. Dự kiến, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức sẽ có cuộc gặp với các giới chức tình báo Mỹ vào ngày 4-11 tại thủ đô Washington, Mỹ để bàn tiếp về thỏa thuận này với thời hạn dự kiến hoàn tất thỏa thuận vào đầu năm 2014. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)