Bài 2: Khó thay đổi!

Chỉ mới chú trọng kêu gọi đầu tư
Bài 2: Khó thay đổi!

Một câu hỏi được đặt ra tại nhiều hội thảo về vấn đề sử dụng năng lượng, đó là: “Liệu doanh nghiệp có biết công nghệ mình đang sử dụng lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, giảm lợi thế cạnh tranh?”. Phải thừa nhận rằng hầu như các doanh nghiệp đều trả lời là biết. Thế nhưng, cải tiến như thế nào thì không phải dễ.

Chỉ mới chú trọng kêu gọi đầu tư

Bài 2: Khó thay đổi! ảnh 1

Máy sản xuất thiết bị cơ khí không hiện đại sẽ tiêu hao nhiều năng lượng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đó là thực tế tồn tại ở hầu hết các tỉnh thành. Điển hình là hàng loạt khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) đua nhau mọc lên. Chính quyền các cấp chỉ mới chú trọng đến việc kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo kiểu lấp đầy diện tích mà chưa chú ý đến việc kiểm duyệt trình độ công nghệ đầu tư hoặc có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có công nghệ cao (CNC).

Theo phân tích của Ban quản lý KCX – KCN TPHCM, các cơ chế, chính sách ưu đãi để tập trung thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển lĩnh vực CNC qua nhiều thời kỳ không nhất quán, minh bạch, nên chưa tạo được một sân chơi bình đẳng nếu so sánh giữa các KCX-KCN và khu CNC.

Trước đây theo Luật Đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt khu CNC, nên doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn CNC sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế cao nhất, nhưng quy định lại nhiều và quá khó thực hiện.

Năm 2003, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành, những chính sách ưu đãi đột ngột thay đổi. Các ưu đãi lại chỉ hướng vào các dự án đầu tư khu CNC, trong khi điều kiện hạ tầng lại chưa sẵn sàng. Luật Đầu tư năm 2005 thông thoáng hơn, bỏ dần những ưu đãi cho các dự án đầu tư trong KCX-KCN, nhưng các tiêu chí dành cho lĩnh vực CNC vẫn còn “khu biệt”.

Chẳng hạn, gần đây nhất là quyết định của Bộ Khoa học-Công nghệ quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao lại chỉ dành cho các dự án sản xuất CNC được đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc và khu CNC TPHCM! Rõ ràng, với các chính sách ưu đãi để phát triển CNC thiếu nhất quán và minh bạch tiếp tục kéo dài như vậy, thì câu chuyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các KCN-KCX TPHCM vẫn cứ trên giấy!

Quá nhiều rào cản

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, căn cứ trên đánh giá của 100 doanh nghiệp thì nguyên nhân chậm đổi mới công nghệ sản xuất vì chính sách ưu đãi không phù hợp hoặc chưa thực sự hấp dẫn, không phù hợp với các đối tượng không có tiềm lực về tài chính.

Ông Nguyễn Ban, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết, điển hình như dự án cho vay vốn ứng dụng giải pháp cải tạo công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phải trả mức lãi suất vay vốn thương mại từ 0,8% đến 1,05%/tháng – quá cao. Trong khi tiềm lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ dừng lại ở mức đầu tư từng phần, nhỏ lẻ.

Ông Mai Thanh Bình, Công ty cổ phần Việt Kim, thành viên dự án Chương trình tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm - bức xúc nói, bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn công nghệ dây chuyền sản xuất của mình hiện đại nhưng bằng cách nào khi vốn đầu tư rất hạn hẹp, còn vay theo dự án nhà nước hỗ trợ thì thủ tục, quy trình cứ rối như tơ vò.

Đơn cử như chương trình vay vốn theo dự án thí điểm thương mại về tiết kiệm năng lượng, những khách hàng có nhu cầu đổi mới công nghệ thì họ cần thay đổi trong thời gian ngắn, nhanh. Thế nhưng, thủ tục yêu cầu để họ có thể nhận được sự hỗ trợ vốn từ phía dự án là cực kỳ phức tạp, mất nhiều thời gian vì phải tiến hành kiểm toán năng lượng; đưa ra phương án tiết kiệm khả thi; lập dự án trình Ban quản lý dự án xem xét tính năng hợp lệ, đó là chưa kể doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại không đáp ứng tiêu chuẩn để được xét chọn cho vay... khiến các doanh nghiệp không hào hứng tham gia.

Ngoài ra, một số chính sách ưu đãi được ban hành chưa rõ ràng, thiếu hoặc chậm có các hướng dẫn thi hành cụ thể, làm cản trở quá trình thẩm định của các cơ quan chức năng. Khâu tư vấn thông tin về khoa học công nghệ, nhất là thông tin kinh tế kỹ thuật của các công nghệ cụ thể chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay…

Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho thấy, nhân tố cản trở quá trình đổi mới công nghệ do thiếu vốn; thiếu thông tin công nghệ, thị trường, nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết; thiếu cơ hội tiếp xúc, nắm bắt công nghệ mới, cơ hội hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ bên ngoài; quy định về thuế, quy trình xin hỗ trợ cho đổi mới công nghệ phức tạp và kéo dài…

Hiện tỷ lệ doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đổi mới công nghệ đạt 13%, chính sách tín dụng 19%, các quỹ hỗ trợ phát triển 20%...

Gần đây nhất, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị đã tổ chức hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu và tiếp cận với nguồn vốn. Doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ nhằm tiết giảm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những đối tượng được ưu tiên vay từ nguồn vốn này.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân được hầu hết các doanh nghiệp đưa ra trong hội thảo là thủ tục vay quá phức tạp và lòng vòng. Vậy, nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì không chỉ chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt, mà nền kinh tế nước ta cũng có nguy cơ bị kìm hãm.

Minh Mẫn

Tin cùng chuyên mục