Tiêu, cà phê cao giá: Tây Nguyên đối mặt với nguy cơ mất rừng

Tiêu, cà phê cao giá: Tây Nguyên đối mặt với nguy cơ mất rừng

Trong 2 năm qua, giá tiêu và cà phê tăng cao đã làm cho đời sống kinh tế của người dân Tây Nguyên được cải thiện. Nhưng kèm theo đó là nguy cơ mất rừng – mất cân bằng sinh thái đang ngày một đè nặng.

Đắc Nông là một tỉnh phía Nam Tây Nguyên, được tái lập cách đây 4 năm, là tỉnh đất rộng, giàu tài nguyên rừng. Khi tiêu và cà phê cùng lên giá đã làm cho tình hình bảo vệ rừng diễn biến hết sức phức tạp: Nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên bị lâm tặc hành hung, nhiều địa bàn trở thành điểm nóng về an ninh trật tự như tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đắc Song. Đơn vị này được giao bảo vệ, sản xuất hơn 11.000 ha rừng với nhiều loại gỗ quý, đất tốt nên trở thành địa bàn mà dân di cư tự do (DDCTD) các nơi khác kéo về ngang nhiên chặt phá rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Do lực lượng bảo vệ rừng khá mỏng nên thường xuyên bị lâm tặc tấn công với hành vi rất manh động như đốt phá trạm bảo vệ rừng, đánh người và nguy hiểm hơn là lâm tặc còn lén lút bỏ thuốc sâu xuống giếng nước ăn.

Tiêu, cà phê cao giá: Tây Nguyên đối mặt với nguy cơ mất rừng ảnh 1

Phá rừng lấy đất làm rẫy – cảnh thường thấy ở các tỉnh Tây Nguyên.

Trước Tết Nguyên đán 2008, ông Trần Quyết Tâm (Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân, huyện Đắc Song, Đắc Nông) đã bị các đối tượng lạ mặt chém trọng thương trên đường từ cơ quan về nhà và cũng tại địa bàn này, một cán bộ công an đã bị DDCTD bắt trói treo lên cây rồi đốt lửa xung quanh… 

Từ cuối năm 2007 đến nay, giá cà phê tăng cao chạm mức 40.000 đồng/kg, giá tiêu 60.000 đồng/kg đã như liều thuốc kích thích nạn chặt, phá rừng lấy đất sản xuất phát triển. Theo ông Đỗ Ngọc Duyên (Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắc Nông): Trong 2 tháng đầu năm 2008, các cơ quan chức năng đã phát hiện 201 vụ vi phạm lâm luật trong đó có 68 vụ phá rừng làm nương ẫy với diện tích 47,62 ha, tăng đáng kể so với năm 2007. Tổng số vụ vi phạm lâm luật trong 3 tháng đầu năm 2008 tại Đắc Lắc cũng đạt 404 vụ, trong đó có đến 300 vụ là vận chuyển, mua bán trái phép gỗ và lâm sản và đối tượng vi phạm chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Chỉ trong mấy ngày tết, lực lượng tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin đã phục bắt được 2 vụ vận chuyển gỗ Pơ-mu (gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA) với 2,3 m2.

Còn tại khu vực Phi Liêng – Tân Hà (giáp ranh giữa 3 tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc và Lâm Đồng) - nơi có đông DDCTD, nạn phá rừng vốn chưa bao giờ tạm yên, giờ đang có hiện tượng tăng nhiệt. Một người dân ở xã Phú Sơn (Lâm Hà, Lâm Đồng) bức xúc nói: “Kiểu này thì làm gì còn rừng…”.

Những số liệu trên chỉ phản ánh một phần thực tế vì số diện tích rừng bị phá để lấy đất trồng tiêu, cà phê chưa thể thông kê được và ngành chức năng chỉ đưa ra được con số tương đối chính xác diện tích rừng bị mất khi nó đã thành vườn tiêu, cà phê. Một vị lãnh đạo tỉnh Đắc Nông thừa nhận: Chính quyền có khuyến cáo người dân nhưng thực tế rất khó kiểm soát và chắc chắn diện tích trồng mới cây tiêu năm nay sẽ tăng cao ngoài tầm kiểm soát.

Hiện chưa đến mùa mưa là thời điểm trồng mới cà phê, nhưng dựa theo lượng cây giống bán ra từ các vườn ươm thì diện tích trồng mới sẽ tăng thêm khoảng vài chục ngàn ha cà phê, chưa kể cây tiêu. Hiện quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp đã được các tỉnh trong khu vực quy hoạch ổn định nên cũng giống như đợt cách đây 13 năm, khi cà phê tăng lên 40.000 đồng sau hạ còn hơn 30.000 đồng, Tây Nguyên đã bị mất đi một lượng lớn đất rừng, cây rừng do dân đổ xô đi trồng cà phê.

Việc trồng mới ồ ạt cà phê sẽ lại đẩy ngành cà phê Việt Nam đứng trước những bất ổn, một khi cà phê Brasil, Indonesia cùng được mùa. Nhưng trước mắt, Tây Nguyên sẽ mất rừng, sẽ mất cân bằng môi trường sinh thái, cạn kiệt nguồn nước ngầm, tạo độ dốc lớn gây ra các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, gây tác hại xấu đến sống người dân miền Trung và qua đó kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế. Và kèm theo đó là những tiềm ẩn về an ninh chính trị khi cà phê rớt giá mạnh như đã từng xảy ra cách đây 6 năm.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng mất rừng là nạn di dân tự do và chừng nào mà vấn nạn này chưa được kiểm soát thì nguy cơ mất rừng càng lớn. Thêm vào đó, hiệu lực quản lý rừng của lực lượng Kiểm lâm cũng phải được nâng lên để đủ sức đối phó, ngăn chặn có hiệu quá với tình hình; rất cần thiết phải tăng quân số, tăng trang bị cho lực lượng này để tăng cường tuần tra, trấn áp lâm tặc, ngăn cho cây rừng không bị đổ xuống để giữ màu xanh cho đất nước.

Y Văn – Bình Định

Tin cùng chuyên mục