Để các xã đều đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới (NTM), lãnh đạo huyện Hóc Môn - một trong 5 huyện ngoại thành của TPHCM xác định, xây dựng NTM là cơ hội để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để người dân và nhà đầu tư có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Xây dựng NTM tại các xã gắn với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn giai đoạn 2011 - 2017; chương trình về giảm nghèo, tăng hộ khá; cũng như phát triển kinh tế tập thể. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM tại các xã, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hóc Môn đã triển khai, vận dụng khá linh hoạt các chính sách của trung ương và thành phố để các đơn vị, nhân dân biết và áp dụng trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh các chính sách chung của Trung ương, được chỉ đạo tuyên truyền đến nhân dân tận các tổ nhân dân, các ấp, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong xã, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011-2015 cũng được huyện tập trung thực hiện, qua đó đã hỗ trợ 1.640 lượt hộ vay với tổng số tiền 184,3 tỷ đồng, kinh phí ngân sách hỗ trợ 11,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các loại cây con có khả năng cạnh tranh và giá trị kinh tế cao như: lan cắt cành, cây kiểng, rau và con bò sữa... Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp đến cuối năm 2014 của huyện Hóc Môn đạt bình quân hơn 282 triệu đồng/ha/năm, trong khi năm 2012 - năm đầu tiên nhân rộng xây dựng NTM, con số này là 121 triệu đồng/ha/năm, tức tăng gấp hơn 2,3 lần. Huyện tập trung vận động nhân dân đóng góp, hiến đất, huy động doanh nghiệp cùng với nhà nước xây dựng, bê tông hóa các tuyến hẻm nên không còn lầy lội. Hỗ trợ đào tạo 1.845 lao động với kinh phí 2,6 tỷ đồng học các ngành nghề nông thôn và kết hợp giải quyết việc làm tại chỗ. Việc hỗ trợ người nghèo được thực hiện thường xuyên, thông qua các chương trình và nguồn như Chương trình cho vay hộ nghèo (548,6 tỷ đồng), Chương trình Quốc gia về hỗ trợ giải quyết việc làm (92,7 tỷ đồng), Quỹ Xóa đói giảm nghèo (15 tỷ đồng), quỹ tín dụng của các hội, đoàn thể cho người nghèo, hộ cận nghèo vay (Hội Phụ nữ 28,9 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 38 tỷ đồng, Hội Nông dân 497,6 tỷ đồng, Liên đoàn Lao động 419 tỷ đồng, Huyện đoàn 10,4 tỷ đồng)...
Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo các xã triển khai ngay các tiêu chí “mềm” như văn hóa, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị, các phong trào quần chúng… mà không phải chờ đến khi TP phê duyệt đề án và cấp kinh phí mới thực hiện. Phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn TP hướng dẫn các xã về việc đánh giá 19 tiêu chí NTM, cũng như phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Trước khi xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng của huyện chỉ một số tuyến đường trục chính được nâng cấp duy tu, trong khi đường nhỏ, trường học, trạm y tế, khu văn hóa xuống cấp. Qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đường giao thông được nâng cấp, kênh mương thủy lợi đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, trường học, trạm y tế, các khu sinh hoạt văn hóa thể thao… được xây mới hoặc sửa chữa đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa thể dục thể thao người dân…
ĐĂNG LÃM