Tiêu cực y tế - “Trọng bệnh” chưa có thuốc trị?

A.Dũng
Tiêu cực y tế - “Trọng bệnh” chưa có thuốc trị?

Bệnh tật, ốm đau luôn là gánh nặng về tinh thần, thể xác và kinh tế đối với bất kỳ người nào. Thế nhưng, nỗi đau của không ít người mỗi khi tới bệnh viện càng thêm chồng chất bởi những khoản “phong bì” lót tay hay phải chịu những chi phí không chính thức trong quá trình khám chữa bệnh.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Có tiền mới được quan tâm

Chiều muộn, trải vội tấm ny lông nhàu nát ra cuối hàng lang khu điều trị của Bệnh viện Bạch Mai để chuẩn bị bữa tối đạm bạc với vài cọng rau và ít cá khô, chị Hồng (ở Lương Sơn, Hòa Bình) trệu trạo thìa cơm nguội ngắt, nghèn nghẹn nói: “Chồng em phải chạy thận nhân tạo, cứ dăm bữa nửa tháng lại phải xuống đây nằm điều trị. Nhà nghèo, ốm đau phải đi bệnh viện tốn kém lắm, không chỉ tiền thuốc thang mà nhiều lúc còn phải “giấm dúi” ít tiền cho bác sĩ, y tá thì mới được quan tâm chăm sóc, sớm được chạy máy còn nếu không thì cứ nằm đấy mà chờ”.

Quả thực với người bệnh phải đi bệnh viện chữa bệnh ngoài gánh nặng về kinh tế, nỗi đau về thể xác, tinh thần, không ít người còn phải chịu gánh nặng lớn về những chi phí không chính thức khác cho y, bác sĩ. Mệt mỏi chen lấn rồi ngồi chờ đợi gần 3 giờ để khám bệnh tại một bệnh viện đa khoa lớn ở Hà Nội, bác Minh (ở khu Linh Đàm) vẫn không quên kẹp chiếc phong bì có 50.000 đồng vào cuốn sổ khám bệnh BHYT khi tới lượt được bác sĩ gọi vào phòng khám. Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bà Hương (ở Hoài Đức, Hà Nội) chăm con gái vừa sinh nở ở đây chia sẻ: “Đi viện bây giờ cái gì cũng tiền mà nhiều khi tiền chi cho bác sĩ, y tá, hộ lý còn nhiều gấp mấy lần tiền viện phí, thuốc men. Con tôi mổ đẻ, trước ca mổ mất 2 triệu đồng “bồi dưỡng” cho kíp phẫu thuật, sau đó hàng ngày mỗi lần y tá làm vệ sinh, thay bông băng vết mổ, tiêm thuốc cho mẹ hay hộ lý, đưa cháu bé đi tắm cũng phải dúi cho họ dăm chục ngàn, một trăm ngàn đồng mới yên tâm”.

Người bệnh phải chịu nhiều tiêu cực phí ngoài viện phí.

Người bệnh phải chịu nhiều tiêu cực phí ngoài viện phí.

Cá biệt hay phổ biến?

Lý giải cho việc bệnh nhân phải đưa “phong bì” cho y, bác sĩ mỗi khi đi viện hay chuyện cán bộ y tế “làm trò” vòi vĩnh tiền của bệnh nhân thường được lãnh đạo ngành y tế xem như là hiện tượng cá biệt kiểu… “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, thực tế tình trạng người dân đi khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập đưa “phong bì” cho y, bác sĩ hay nói cách khác cán bộ nhận tiền của người bệnh ngoài tiền thuốc men, viện phí đã trở nên khá phổ biến. Mới đây nhất tại phiên chất vấn diễn ra tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã chua xót nói với “tư lệnh” ngành y tế… “Có nhiều người bệnh phải ăn cơm từ thiện của nhà chùa để dành tiền đưa cho bác sĩ…”.

Người bệnh và người nhà bệnh nhân nhiều khi phải ăn cơm từ thiện và ngủ ngoài vườn hoa tại BV Bạch Mai, Hà Nội.

Người bệnh và người nhà bệnh nhân nhiều khi phải ăn cơm từ thiện và ngủ ngoài vườn hoa tại BV Bạch Mai, Hà Nội.

TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, thẳng thắn cho biết, qua nghiên cứu về chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế cho thấy, tỷ lệ người bệnh sử dụng “phong bì” trong dịch vụ y tế tăng đều hàng năm. Nếu như năm 2007 chỉ có khoảng 13% người bệnh đưa “phong bì” cho cán bộ y tế mỗi khi đi khám chữa bệnh thì sau 3 năm tỷ lệ này đã lên tới 30%. Càng lên cao thì độ dày của chiếc “phong bì” mà người bệnh đưa cho cán bộ y tế càng tăng thêm. Nếu như ở tuyến cơ sở, tiền bệnh nhân “dúi” cho cán bộ y tế chỉ từ 5.000 - 50.000 đồng thì lên tới tuyến trung ương “phong bì” phải ít nhất là 50.000 đồng cho tới vài triệu, thậm chí là hàng trăm USD.

Phải giải quyết tận gốc

Rõ ràng, tiêu cực trong ngành y tế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tiền bạc người bệnh và gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn nhìn nhận tiêu cực trong y tế do có một số y bác sĩ tham tiền, vòi vĩnh bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh quá tải, lương nhân viên, cán bộ y tế thấp trong khi phải làm việc căng thẳng vất vả… Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chống tiêu cực trong y tế là cuộc đấu tranh lâu dài giữa cái thiện, cái ác.

Thừa nhận tiêu cực y tế và sự xuống cấp y đức là vấn đề nan giải, mới đây trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải kêu gọi người nhà bệnh nhân không đưa “phong bì” và giám sát nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận “phong bì”. Tuy nhiên, phản ứng trước lời kêu gọi trên của lãnh đạo Bộ Y tế, nhiều ý kiến cho rằng không khả thi và khó có thể thực hiện được vì khó khả thi. Để ngăn chặn tiêu cực y tế, đòi hỏi Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng phải hành động cụ thể, quyết liệt hơn như đẩy mạnh kiểm tra và xử lý kỷ luật nghiêm với y bác sĩ có hành vi tiêu cực, làm rõ và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở y tế để xảy ra tiêu cực.

Minh Khang

Tin cùng chuyên mục