Những năm 1967 - 1972, nghe đến “Tiểu đoàn Bà Thao” là lính Mỹ khiếp vía. Còn anh em ta ở Quân khu 5 thường nhắc đến họ với lòng cảm phục xen lẫn tự hào. Họ là ai? Đó là 600 nữ thanh niên xung phong (TNXP) tuổi từ 16 đến 20 và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải 232 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5 nổi tiếng là cô TNXP Phạm Thị Thao, lúc bấy giờ chỉ mới 19 tuổi. Tiểu đoàn nữ duy nhất này gồm 4 đại đội vận tải, 1 trạm xá và đội sản xuất. Với nhiệm vụ vận chuyển đạn, phá đường, tải thương, bước chân của họ đã qua khắp các tuyến đường rừng từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, đường 9 Nam Lào. Chiến tranh kết thúc, 58 người đã vĩnh viễn ở lại với núi rừng, hơn 400 người trở về cuộc sống đời thường, thế nhưng trải qua hơn 30 năm, trong mỗi người còn lại vẫn canh cánh “gánh nợ” với những đồng đội đã hy sinh…
Thanh niên xung phong đi trước về sau
Nghe thông tin về người cựu TNXP Phạm Thị Thao đã lâu nhưng đến tận bây giờ tôi mới có dịp được gặp cô. Lần trước trong chuyến công tác miền Trung, người đồng đội cũ của cô đã giúp tôi liên lạc với cô nhưng lúc đó cô không có mặt tại Đà Nẵng.
Thời tiết Đà Nẵng những ngày cuối tháng 3 trở rét, theo chỉ dẫn của cô Thu, cựu TNXP đang sinh sống tại Hội An, chúng tôi tìm đến nhà cô Thao ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu –Đà Nẵng. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, tôi gặp người bạn đời của cô. “Bà xã tôi đi làm riết, đến chiều tối mới về, cô muốn gặp phải lên phường mới gặp được”, ông cho biết.
Chúng tôi ra UBND phường. Gặp chúng tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và gương mặt vẫn còn hiện rõ nét cương nghị, cứng rắn của một tiểu đoàn trưởng ngày xưa, dù bây giờ cô đã trên 60. Cô và tôi ngồi bên chiếc bàn đá trong khuôn viên phường, tôi hỏi và cô kể chuyện về Tiểu đoàn 232 ngày ấy, ở đó, 600 nữ TNXP với tinh thần “thà hy sinh chứ không đầu hàng” đã ngang, dọc các cánh rừng miền Trung, Tây Nguyên, hỗ trợ bộ đội trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Qua lời cô kể, các cô gái TNXP trong Tiểu đoàn 232 hầu như ai cũng nhỏ con, nặng cân nhất cũng chỉ khoảng 53kg. Ấy vậy mà các loại đạn, khẩu pháo DKB, thùng đạn, bao tải gạo mà họ mang vác trên lưng đều nặng từ 80 đến 100kg. “Sức trẻ cộng với ý chí quyết giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương nên nặng mấy cũng không sao”, cô cười xòa và kể tiếp.
Nhiều lúc đang trên đường băng rừng xuống đồng bằng vận chuyển hàng hóa, tiểu đoàn của cô gặp bộ đội bị thương và thế là thay phiên nhau người này vác hộ hàng của người khác để người còn lại cõng thương binh. Cô cười rất vui khi nhớ lại cảnh nhiều anh bộ đội thấy nữ cõng thì ngại, mặc dù đau vì vết thương nhưng các anh cứ hỏi có nặng không, đồng chí có mệt không…
Trong một lần mở đường 9 Nam Lào, cô và các đồng đội gặp một toán bộ đội vào Nam công tác bị tụt vực sâu, hơn 10 nữ TNXP vai vác cả chục ang gạo (trên 80 kg) vẫn phăng phăng xuống vực để giúp. Sau khi băng bó vết thương cho các anh bộ đội, các cô lại cõng họ băng rừng, vượt dốc theo dấu chân đơn vị…
“Những lần như thế chúng tôi không ai có thời giờ để hỏi tên lẫn nhau, đến khi các anh đi xa mọi người mới sực nhớ, chẳng ai biết họ thuộc đơn vị nào để sau này còn liên lạc”, cô Thao trầm ngâm nhớ lại.
Cô tâm đắc nhất câu nói “TNXP đi trước về sau”, lý giải câu nói này cô kể, công việc của chúng tôi ngoài việc vận chuyển lương thực, còn phải mở đường cho các đơn vị hành quân và sau mỗi trận chiến, chúng tôi lại là những người vận chuyển thương binh, chăm sóc cho họ và “dọn dẹp” đường để các anh ấy tiếp tục hành quân…
Tìm lại đồng đội xưa
Chừng ấy năm chỉ huy Tiểu đoàn 232, biết bao kỷ niệm vui, buồn nhưng một chuyện mãi theo cô trong suốt mấy chục năm qua là cái ngày kinh hoàng đã xảy ra ở Quế Thạch, Quế Sơn, lúc trận dội bom cối 105 của Mỹ khiến 6 TNXP nữ hy sinh và 7 người khác bị thương.
Cô Thao nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi có nhiệm vụ xuống đồng bằng nhận gạo và muối chuyển lên tuyến trên, 13 người chúng tôi đang trên đường chuyển hàng về thì gặp trận càn của Mỹ. Chúng thả bom liên tục 4 ngày 4 đêm, 13 người trong đoàn phải nấp trong hang đá. Bấy giờ là năm 1969, vào khoảng 6 giờ sáng, một quả bom đánh trúng cửa hang, tôi là tiểu đoàn trưởng nên nằm ngay cửa hang để bảo vệ đồng đội, tuy nhiên mảnh vỡ của bom và đất đá trên hang sập xuống khiến 6 đồng chí hy sinh. Chờ cho máy bay của Mỹ rút, chúng tôi vội khiêng xác đồng đội ra ngoài và chôn tạm ngay trên ngọn đồi gần đó. Sau hòa bình, chúng tôi đã quay trở lại Quế Thạch thuộc Quế Sơn để tìm hài cốt của họ nhưng đến nay đã hơn 35 năm, chúng tôi chỉ tìm được 2 người”.
Điều mong muốn nhất hiện nay của cô Thao là làm sao tìm được hài cốt của những đồng đội còn lại để có thể an táng họ đàng hoàng.
Những năm hoạt động trong rừng núi, các chị thường ăn củ mì, củ sắn để chiến đấu. Cô nhớ có một lần bị sốt rét rừng, phải tiêm và uống ký ninh đến độ hai mông của cô bị áp xe, mưng mủ. Đến khi chữa lành thì chỗ áp xe lõm vào như bị thương. Những cơn sốt rét luôn hành hạ cô đến tận những năm tháng sau này.
“Cũng may 5 năm trở lại đây, một vài đồng đội hướng dẫn cách chữa trị dân gian bằng cách mua gà đen (của người dân tộc) và ớt sim giã nát ra rồi rang muối, ăn liên tục nhiều năm liền nên cơn sốt rét không trở lại nữa”.
Tháng 7-2009, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức gặp mặt các cựu TNXP và đó là lần đầu tiên sau nhiều năm các nữ TNXP của Tiểu đoàn Bà Thao gần 400 người đã gặp lại nhau. Ngày 28-5-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phong tặng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 232 Phạm Thị Thao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; cũng trong năm 2010, Tiểu đoàn của cô được phong tặng Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Từ năm 1994 đến nay, cô Phạm Thị Thao vẫn liên tục tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội, tìm đồng đội cũ và tổ chức các hoạt động gặp mặt, động viên, giúp đỡ những đồng đội cũ đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Với đồng đội, cô vẫn mãi là Tiểu đoàn trưởng của họ…
MINH THẢO