Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: Băn khoăn giá thành

Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: Băn khoăn giá thành

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các doanh nghiệp đã triển khai nhanh việc thu mua lúa, gạo trong dân. Đây là dấu hiệu tích cực đầu tiên cần ghi nhận.

Các doanh nghiệp “tăng tốc” mua gạo

“Nông dân rất mừng khi nghe Thủ tướng chỉ đạo các doanh nghiệp mua lúa hè thu đảm bảo cho họ có lãi 40%. Làm được điều này dân rất phấn khởi khi trúng mùa lúa lại được giá” – Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói.

Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: Băn khoăn giá thành ảnh 1

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đang khẩn trương triển khai thu mua lúa, gạo hàng hóa. “Nhiều ngày qua, tiến độ mua lúa, gạo nguyên liệu của công ty có chậm vì đầu ra khá chậm. Mặt khác, thời tiết mưa gió nhiều, cúp điện cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thu mua.

Tại Tiền Giang, liên tục cúp điện trong khi lúa, gạo vụ hè thu nhập vào kho thì cần đảm bảo nguồn điện để xử lý ẩm độ rất kỹ” - ông Nguyễn Anh Phong, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết. }

Theo ông Phong, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ban giám đốc công ty đã họp và triển khai kế hoạch tăng cường thu mua lúa gạo nguyên liệu. Theo đó, trong vòng một tuần phải thu mua được 10.000 tấn gạo nguyên liệu, với giá dao động hiện nay 5.900 đồng - 6.100 đồng/kg. Ngoài hệ thống kho của các xí nghiệp trực thuộc, công ty tranh thủ hợp tác với các đại lý để huy động thêm kho để mua lúa. Chậm nhất đến cuối tháng 8, phải đạt 40.000 tấn gạo nguyên liệu.

Hiện tại, hệ thống kho của công ty đã nhập vào hơn 40.000 tấn gạo nguyên liệu và 5.100 tấn lúa. Ông Dương Quốc Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Lương thực Sông Hậu tại Cần Thơ (trực thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam), cho biết: Hiện công ty đang tăng cường thu mua gạo nguyên liệu vào, bình quân mỗi ngày hơn 300 tấn, với giá 5.850 - 6.100 đồng/kg gạo. Từ nay đến tháng 9, công ty phấn đấu thu mua 40.000 tấn gạo nguyên liệu.

Theo một số doanh nghiệp, cái khó nhất hiện nay là giá gạo nguyên liệu mua vào đang cao hơn giá gạo hàng hóa đã lau bóng, chào bán với đối tác (chưa tính phần lãi suất ngân hàng). Nhưng để giải phóng nhanh lượng lúa hàng hóa tồn đọng trong dân, doanh nghiệp (trực thuộc tổng công ty lương thực) phải đẩy mạnh thu mua. Còn các doanh nghiệp ngoài hệ thống trực thuộc các tổng công ty lương thực vẫn… chờ!

Nông dân có thực lãi 40%?

Cần Thơ: Thương lái mua lúa vẫn vắng bóng

Chiều 11-8, anh Trần Khánh Lớn, chủ một cơ sở kinh doanh lúa gạo ở Cái Răng, Cần Thơ cho biết: hiện ở khu vực Cái Răng giá gạo nguyên liệu được các cơ sở thu mua 5.900 – 6.000 đồng/kg, vẫn đứng yên và giảm khoảng 50 đồng/kg so với cách đây 1 tuần. Theo anh Khánh, hiện chỉ có một vài “chi nhánh” thuộc doanh nghiệp đượïc giao hạn ngạch xuất khẩu (trực thuộc các tổng công ty lương thực) mua gạo cầm chừng. Còn doanh nghiệp tư nhân gần như không thu mua. Giá lúa ở vùng ven chỉ khoảng 4.300 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái mua lúa vẫn vắng bóng.

C.P.

Nông dân phấn khởi sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng ở vùng sâu nhiều người vẫn lo lắng. “Trong nhà còn cả trăm giạ lúa. Giá lúa chỉ nằm ở mức 4.000 đồng/kg, khổ cái chẳng thấy thương lái nào đến mua. Hy vọng doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa với giá phải chăng…” – anh Trần Văn Bảnh, nông dân ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nói.

Vấn đề hiện nay là cách tính toán giá thành sản xuất lúa của nông dân. Từ đó doanh nghiệp phải mua lúa hàng hóa đảm bảo cho dân có lãi khoảng 40% trở lên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu giá thành sản xuất lúa của nông dân 3.000 đồng/kg, doanh nghiệp phải mua lúa thấp nhất là 5.000 đồng/kg! Giá vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng mạnh trong thời gian qua, giá thành sản xuất lúa sẽ tăng cao. Trong đó, giá thành sản xuất lúa còn phụ thuộc vào năng suất.

Hiện nay, mỗi tỉnh, thành ở ĐBSCL đều có cách tính giá thành sản xuất lúa khác nhau nhưng phổ biến giá thành lúa hè thu dao động 3.000 – 3.500 đồng/kg. Như vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tối thiểu các doanh nghiệp phải mua lúa của nông dân với giá 5.000 đồng/kg! Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay ai cũng biết: doanh nghiệp chủ yếu mua gạo chứ không mua lúa của nông dân (90% lúa hàng hóa của nông dân bán cho thương lái).

Vì vậy, việc mua lúa của nông dân vẫn phụ thuộc vào thương lái. Ví dụ: Doanh nghiệp có thể báo cáo mua lúa với giá trên 5.000 đồng/kg, nếu quy đổi ra từ giá gạo thu mua (trên 6.000 đồng/kg gạo…). Nhưng thực tế, khi qua nhiều trung gian thu mua thì giá mua lúa của nông dân sẽ thấp hơn. Tùy theo từng vùng, lúa nông dân bán sẽ qua 3-4 trung gian trước khi biến thành gạo tới doanh nghiệp.

Theo đó, giá lúa nông dân bán tại chân ruộng sẽ bị các trung gian này “hạ thấp từ 50 – 150 đồng/kg/trung gian” khi mua để bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo! Đây là vấn đề cần phải tính toán kỹ để đưa ra giá sàn. “Cần phải có giải pháp quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng để tránh tình trạng chuyển biến chậm chạp như tiêu thụ cá tra, cá basa vừa qua” - TS Lê Văn Bảnh nói. 

CAO PHONG-BÌNH ĐẠI 

Cho vay mua lúa gạo trước khi có hợp đồng xuất khẩu

(SGGP). – Ngày 11-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 7315/NHNN-TD gửi tổng giám đốc các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về việc cho vay tiêu thụ hết lúa, gạo vụ hè thu năm 2008 ở ĐBSCL. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước và Vietcombank theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng cho vay theo quy định hiện hành. Trường hợp những doanh nghiệp kinh doanh lương thực thu mua lúa gạo theo chỉ tiêu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông báo, nhưng chưa ký được hợp đồng xuất khẩu gạo thì được xem xét cho vay tạo nguồn hàng trước khi ký hợp đồng xuất khẩu.

H. YÊN

Tin cùng chuyên mục