Tìm cách cứu nguy cây lúa nước

Mấy năm gần đây do khô hạn gay gắt, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, mưa trái mùa xuất hiện… làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL). Việc nghiên cứu chọn ra những giống lúa thích ứng với điều kiện khắc nghiệt đang là vấn đề nóng đặt ra cho các nhà khoa học, nông nghiệp.
Tìm cách cứu nguy cây lúa nước

Mấy năm gần đây do khô hạn gay gắt, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, mưa trái mùa xuất hiện… làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL). Việc nghiên cứu chọn ra những giống lúa thích ứng với điều kiện khắc nghiệt đang là vấn đề nóng đặt ra cho các nhà khoa học, nông nghiệp.

  • Uy hiếp sinh tồn cây lúa

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã có tác động đến sản xuất lúa ở ĐBSCL. Một trong những tác động nhận rõ nhất là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền. Mấy năm trước, mức tối đa xâm nhập mặn sâu vào đất liền khoảng 45km thì năm 2009 nước biển vào tới huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), tức khoảng 60km. Điều này khiến vựa lúa trù phú nhất cả nước đang đối mặt với nguy cơ “lũ mặn” rất gần. Hiện nay, tại Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… mặn đã xâm nhập sâu từ 30 – 40 km. Hàng chục ngàn ha lúa đông xuân sạ trễ đang đứng trước nguy cơ thiệt hại bởi hạn và xâm nhập mặn.

Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Phó trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL, nếu nhiễm độ mặn từ 3-5‰ năng suất lúa có thể thiệt hại khoảng 80%. Theo TS Đặng Kiều Nhân, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, từ năm 2000 - 2007, ở huyện Trà Cú (Trà Vinh), diện tích và sản lượng sản phẩm nông nghiệp hàng năm giảm khoảng 7%.

Ngoài ra, mưa trái mùa thường xuyên xảy ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cây lúa. Cụ thể như đợt mưa trái mùa xảy ra cuối năm 2009 vừa qua đã làm hàng trăm ha lúa đông xuân lép hạt, giảm năng suất... Tình trạng ngập úng trên những diện tích một vụ lúa một vụ tôm ở vùng ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre xảy ra hàng năm cũng ảnh hưởng lớn đến việc canh tác lúa…

Trước những biến đổi ngày càng nghiêm trọng đó, việc nghiên cứu tìm ra các giống lúa chống chịu tốt với khí hậu, thời tiết xấu đang được thực hiện ráo riết ở ĐBSCL. Hiện tại, các nhà khoa học đang phát triển và chọn tạo các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt, bảo tồn và giữ gìn các giống cây trồng địa phương, thành lập ngân hàng giống; xây dựng và phát triển các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp với biến đổi của khí hậu.

Vào mùa thu hoạch ở ĐBSCL.

Vào mùa thu hoạch ở ĐBSCL.

  • Sống chung với hạn, mặn

Tại ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL đang tiến hành nghiên cứu song song các giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt và giống lúa có thể chống chịu được với độ nhiễm mặn trong ruộng đồng, tình trạng ngập úng lâu ngày và khô hạn. Viện Lúa ĐBSCL đã xác định được 31 giống lúa có khả năng chống chịu khô hạn và 14 giống lúa bố mẹ có khả năng kháng mặn tốt. Trong đó các giống OM5464, OM 5166, OM 5629, OM 6677 là những giống có khả năng chống chịu ở độ mặn 3 – 4‰.

Viện Lúa ĐBSCL cũng đang có một đề tài cấp Bộ, nghiên cứu giống lúa có khả năng thích ứng với độ mặn 5-6‰ và đang thí nghiệm giống lúa IR 64 Subon 1 có khả năng chịu được ngập úng từ 18-21 ngày… Dự kiến khoảng 3-4 năm nữa các giống lúa này sẽ được đưa vào sản xuất đại trà ở những vùng có điều kiện canh tác khắc nghiệt.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Ngoài những giống chịu mặn, ngập, chúng tôi cũng nghiên cứu giống lúa có thể chịu được khô hạn bằng việc tập hợp các nguồn gien từ các vùng hay bị hạn hán ở Tây Bắc, Tây Nguyên để làm vật liệu lai tạo. Vài ba năm nữa chúng tôi mới có thể công bố các loại lúa này”.

Cùng với vấn đề nghiên cứu giống lúa thích ứng với BĐKH, việc tuyên truyền trong nhân dân cũng là vấn đề rất quan trọng. Hiện tại chính quyền một số địa phương chưa quan tâm tích cực lắm. Bộ NN-PTNT cùng các nhà khoa học đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về BĐKH nhưng vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết mọi người đều cho rằng chuyện BĐKH còn xa xôi lắm, trong khi thực sự nó đang diễn ra ngày càng khốc liệt

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục