Tìm đầu ra cho hạt muối

Muối ế do đâu?
Tìm đầu ra cho hạt muối

Chưa bao giờ giá muối ở ĐBSCL rớt tệ hại như hiện nay. Dọc các vùng muối trọng điểm như Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Đông Hải (Bạc Liêu); Duyên Hải (Trà Vinh); Vĩnh Châu (Sóc Trăng)… lượng muối tồn đọng lên đến hàng trăm ngàn tấn. Tìm đầu ra cho hạt muối đang là vấn đề cấp bách khiến chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đau đầu.

Diêm dân huyện Ba Tri - Bến Tre thu hoạch muối trúng mùa nhưng rớt giá.

Diêm dân huyện Ba Tri - Bến Tre thu hoạch muối trúng mùa nhưng rớt giá.

Muối ế do đâu?

3 xã Long Điền Đông, Long Điền Tây và Điền Hải (huyện Đông Hải) là vùng sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên diêm dân trúng đậm, năng suất muối trắng (có trải bạc) đạt đến 176 tấn/ha, muối đen đạt 82 tấn/ha, gấp 3 lần so năm 2009 và cao kỷ lục từ trước đến nay.

Trúng mùa nhưng diêm dân xứ biển Bạc Liêu không vui bởi giá muối rớt thảm hại và khó tiêu thụ. Bà Trần Thị Ngân, xã Long Điền Tây cho biết: “Hiện muối đen chỉ có 300 đồng/kg, muối trắng 500 đồng/kg chỉ bằng 30% so năm ngoái, nhưng bán không ai mua. Gia đình tôi đầu tư trên 150 triệu đồng làm 5ha muối, giờ chết đứng?”.

Tại vùng muối Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre) tình hình cũng tương tự. Theo ông Ngô Văn Cao, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, mọi năm đến mùa thu hoạch muối rất nhiều thương lái các nơi kéo về thu mua tấp nập, nay đã cuối vụ mà người mua rất ít. Giá muối đen đang ở mức thấp chưa từng có 200 đồng/kg.

Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cũng khó hiểu vì sao năm nay thương lái mua muối “biệt tăm”. Theo lý giải của ông Lê Văn Dô, Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng nhập muối ngoại đã giết chết muối nội.

Tháo gỡ cách nào?

* Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, có nghe thông tin Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thu mua tạm trữ 200.000 tấn muối để giải quyết khó khăn cho diêm dân, trong đó, thu mua ở phía Nam là 180.000 tấn và phía Bắc 20.000 tấn, giá thu mua đảm bảo cho diêm dân lãi từ 30-40%. Tuy nhiên, đến nay tình hình tiêu thụ vẫn bế tắc.

Báo cáo mới nhất của Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, sản lượng muối thu hoạch năm 2010 trên 183.000 tấn, tuy nhiên từ đầu năm đến nay diêm dân chỉ bán được khoảng 33.000 tấn, hiện tồn đọng 150.000 tấn. Tại huyện Ba Tri, sản lượng muối tiêu thụ không quá 5%, gần 95% đang “nằm đồng” và bị mưa gió làm hao hụt. Các vùng muối khác cũng chịu chung số phận. Trước tình hình cấp bách trên, chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho hạt muối, nhưng mọi chuyện đều bế tắc.

Ông Nguyễn Thanh Bế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tỉnh đang rất sốt ruột về việc tiêu thụ muối. Giải pháp trước mắt là hỗ trợ cho diêm dân mượn tiền mua lá lợp trữ muối với mức 50.000 đồng/tấn muối. Song song đó, yêu cầu các ngân hàng có kế hoạch gia hạn nợ cho diêm dân, không nên thúc bách họ bán đổ bán tháo bởi giá quá thấp. Về cơ bản vẫn phải chờ chủ trương của Chính phủ, bởi khả năng của địa phương rất khó nâng giá và tìm đầu ra cho lượng muối tồn đọng quá lớn”.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề, ở hầu hết các tỉnh sản xuất muối đều có công ty chế biến muối nhưng thực tế công ty chỉ mua lượng muối trong dân rất ít, đa phần là nhập khẩu - nhất là năm nay giá muối thế giới thấp. Trong khi đó, Bộ Công thương lý giải việc cấp hạn ngạch cho nhập 260.000 tấn muối trong năm 2010 là do nhu cầu sử dụng muối công nghiệp tăng, tuy nhiên sản lượng muối nhập khẩu ngoài hạn ngạch cũng khó quản lý? Bộ Công thương đang xem xét đưa ra các biện pháp tự vệ đối với muối nhập khẩu. Về lâu dài, Bộ Công thương cho rằng cần có giải pháp đầu tư mạnh hơn cho nghề muối để nâng cao chất lượng, năng suất, khả năng chế biến… vừa đáp ứng nhu cầu cần muối phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước, đồng thời đủ sức cạnh tranh với muối ngoại nhập. Được như vậy, đời sống diêm dân làm muối mới cải thiện và ngành muối mới phát triển mạnh được.

Huỳnh Phước Lợi

Tin cùng chuyên mục