Hội nghị hòa bình liên bang Myanmar:
Ngày 31-8, Hội nghị Hòa bình liên bang của Myanmar, còn gọi là Hội nghị Panglong thế kỷ 21, đã chính thức khai mạc tại thủ đô Nay Pyi Taw. Hội nghị lần này với sự tham gia của gần như tất cả các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, kể cả những nhóm chưa ký vào Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) hồi tháng 10-2015, được kỳ vọng sẽ kết thúc 7 thập kỷ xung đột sắc tộc và đưa quốc gia này tiến lên con đường phát triển mới.
Định hình tương lai chính trị?
Tham dự hội nghị có khoảng 1.800 đại biểu của Chính phủ, quân đội Myanmar, các nhóm vũ trang sắc tộc, các chính đảng, các nhà ngoại giao nước ngoài, các tổ chức tài trợ hòa bình và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh bước tiến đáng ghi nhận của tiến trình hòa bình tại Myanmar cũng như nỗ lực của chính phủ nước này trong việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài gần 70 năm.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi các lực lượng chính trị, vũ trang sắc tộc ở quốc gia Đông Nam Á này thể hiện sự kiên nhẫn và quyết tâm xây đắp hòa bình trên tình thần hòa hợp quốc gia.
Các đại biểu dự Hội nghị Hòa bình liên bang của Myanmar
Theo Myanmar Times, tại Hội nghị lần này, Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc vũ trang sẽ thảo luận một phương án cho phép người dân và các dân tộc sống tại các bang Shan, Wa và Kachin có thể có quyền tự quyết. Giới quan sát đánh giá rất cao ưu tiên của Chính phủ Myanmar khi đẩy mạnh tiến trình hòa bình và xúc tiến tổ chức Hội nghị hòa bình liên bang. Nếu thành công, hội nghị hòa bình lần này sẽ giúp định hình tương lai chính trị của Myanmar - một nhà nước liên bang với sự chung sống bình đẳng và hòa hợp lợi ích giữa các sắc tộc.
Bước đầu mang tính biểu tượng
Bất chấp khó khăn dồn dập, sau 5 tháng kể từ khi lên cầm quyền, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đã bước đầu tạo được niềm tin, cho thấy sự tiến bộ khi lôi kéo được hầu hết các nhóm phiến quân chịu ngồi vào bàn đàm phán, kể cả nhóm vũ trang Kachin độc lập (KIO) được cho là có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Trung Quốc, từng từ chối ký vào thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng thận trọng về việc hội nghị kéo dài 5 ngày này có thể đem đến một giải pháp triệt để ngay lập tức cho cuộc xung đột dai dẳng gần 7 thập kỷ qua ở Myanmar - ngôi nhà với hơn 100 sắc tộc và nền văn hóa truyền thống khác nhau. Từ khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi chiến thắng trong bầu cử Quốc hội vào tháng 11-2015, bà đã đặt ra một trong những mục tiêu ưu tiên là khôi phục hòa bình với các nhóm nổi dậy thiểu số.
Báo Myanmar Times bình luận hội nghị đàm phán hòa bình ngày 31-8 là một trong những thách thức đối với cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi và chính phủ Myanmar. Một ngày trước khi hội nghị bắt đầu, TTK LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi Myanmar cải thiện điều kiện sống của người Rohingya, cộng đồng được xem là thách thức đối với bà Aung San Suu Kyi kể từ khi NLD vì dân chủ của bà lên nắm quyền vào tháng 11-2015.
Phát biểu khai mạc hội nghị, cố vấn Aung San Suu Kyi tuyên bố đây là cơ hội duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc dai dẳng. Bà cam kết chính phủ sẽ đảm bảo quyền bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc thiểu số. Nhưng theo giới quan sát, thành công của hội nghị trước mắt chỉ mang tính biểu tượng và con đường đi đến một nền hòa bình thực sự ở Myanmar sẽ còn lâu dài và nhiều khó khăn, đòi hỏi các bên phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Hội nghị này là một bước khởi động cần thiết, còn tiến trình đàm phán và đạt được thỏa thuận hòa bình được dự báo có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.
HẠNH CHI (tổng hợp)