Tìm giải pháp lành mạnh hóa nền kinh tế

Thị trường vàng đã ổn định hơn, giải quyết nợ xấu và tồn kho sẽ tập trung vào thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng, lương sẽ tăng từ 1-7-2013. Đó là những vấn đề nóng được đề cập và một số lãnh đạo bộ, ngành giải đáp trong phiên Quốc hội (QH) thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 31-10.
Tìm giải pháp lành mạnh hóa nền kinh tế
  • Lương có thể tăng thêm 100.000 đồng từ 1-7-2013

Thị trường vàng đã ổn định hơn, giải quyết nợ xấu và tồn kho sẽ tập trung vào thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng, lương sẽ tăng từ 1-7-2013. Đó là những vấn đề nóng được đề cập và một số lãnh đạo bộ, ngành giải đáp trong phiên Quốc hội (QH) thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 31-10.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Minh Điền

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Minh Điền

Là một trong những người bấm nút đầu tiên để phát biểu với mục đích giải trình về những vướng mắc xung quanh vấn đề nóng bỏng hiện nay là việc cân đối ngân sách để tăng lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ giải thích, do những khó khăn của việc thu ngân sách nên việc tăng lương theo lộ trình ở thời điểm 1-5 khó thực hiện được do khó cân đối 60.000 - 65.000 tỷ đồng, chưa kể cần 29.000 tỷ đồng bố trí thực hiện mức lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng vừa qua và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong năm 2013. Tuy nhiên, qua nhiều thảo luận tại tổ và hội trường, tiếp thu ý kiến ĐB, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, báo cáo QH dự kiến trình QH xem xét quyết định phương án tăng lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) ở mức 100.000 đồng/người/tháng bắt đầu từ ngày 1-7-2013. Tổng số kinh phí cần khoảng 20.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương phải lo 18.400 tỷ và ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%; kiểm soát lạm phát 7% - 8%, con số 20.700 tỷ đồng sẽ được cân đối từ việc giảm đầu tư công khoảng 10.000 tỷ đồng trình QH cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000 - 60.000 tỷ đồng, nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225.000 tỷ đồng đã được QH quyết định cho cả giai đoạn đến năm 2015; tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10%, khoảng 1.600 tỷ đồng... Với ngân sách địa phương, 3.300 tỷ đồng lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên và 50% tăng thu dành để làm lương còn lại ở một số địa phương.

Thị trường vàng ổn định

Nhận khuyết điểm về những thông tin về quản lý thị trường vàng gây nhiều cách hiểu khác nhau, trong phần giải trình của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đề cập khá cụ thể về lĩnh vực này.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong nền kinh tế có khoảng từ 300 - 400 tấn vàng, tương đương 15 - 20 tỷ USD. Nguồn vốn này không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bị chôn chặt vào vàng. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao NHNN xây dựng đề án chống vàng hóa với các mục tiêu chính: để biến động của giá vàng không làm ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế và có thể huy động ngược trở lại nguồn vốn này cho việc phát triển kinh tế - xã hội…

Để làm được điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Từ tháng 5 trở lại đây, dù giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau khá lớn, từ 1 - 3 triệu đồng/lượng nhưng đã không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá ổn định. Từ tháng 5 đến nay hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng tương đương khoảng 3 tỷ USD, nhà nước đã mua khoảng 10 tỷ USD.

Liên quan đến ý kiến về độc quyền vàng miếng SJC, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, kể từ ngày 25-5 tất cả các đơn vị dập vàng miếng kể cả Công ty SJC đều phải chấm dứt dập vàng miếng. NHNN thực hiện vai trò độc quyền nhà nước được dập vàng miếng và NHNN chọn mác vàng SJC là mác vàng của NHNN vì thực tế vàng SJC chiếm 93% - 95% của thị phần nên được chọn để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng cũng như chi phí phải dập lại.

Chưa hài lòng với giải thích của Thống đốc, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có cho rằng cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Nhận định này khác với trình bày của Thống đốc vừa rồi là cơ chế quản lý vàng bước đầu đã mang lại kết quả cực kỳ quan trọng.

“Tôi cho rằng nhận định này còn có vẻ nhẹ nhàng, còn né tránh trước vấn đề rất nóng trong thời gian qua. Chúng ta đang ngồi đây và ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC”. ĐB Hiến nhìn nhận, từ khi NHNN tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai: SJC và phần còn lại. Trong khi giá vàng phần còn lại bán sát giá vàng thế giới thì SJC luôn cao hơn 2 - 3 triệu đồng.

Giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu

Để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), ngân hàng cần xem xét tiếp tục khoanh nợ, tiếp tục cho vay. Trên quan điểm này, ĐB đề nghị ưu tiên giải cứu thị trường bất động sản để tạo sức phát triển mới cho nền kinh tế. ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) lo ngại, muốn xử lý nợ xấu cần tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu, làm rõ các doanh nghiệp nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu. Thông thường khi vay mà không trả được nợ thì ngân hàng sẽ siết nhà, siết đất nhưng ngân hàng vẫn không siết nợ là vì sao? Có những nợ không phải là nợ xấu mà có những loại nợ quá xấu, không bao giờ có thể đòi được.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết hiện các ngân hàng đang tích cực trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, từ nay đến cuối năm nay, ngân hàng nào không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro sẽ không cho chia cổ tức, NHNN sẽ có các biện pháp thanh tra giám sát để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải phục vụ vấn đề xử lý nợ xấu.

Đề cập đến vai trò quan trọng của việc giải quyết hàng tồn kho bất động sản, phá băng thị trường này trong giải quyết nợ xấu, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, trong đó liên quan gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức hơn 1 triệu tỷ đồng.

Điểm đáng lo ngại trong tồn kho lĩnh vực này, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là thị trường bất động sản phát triển tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến cung lớn hơn nhiều so với cầu. Hiện cả nước có 2.399 dự án tại 44 tỉnh, thành và có xấp xỉ khoảng 71.000ha đất cho bất động sản. Hàng tồn kho cả nước hiện nay có 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng và 25.870m² nhà văn phòng cho thuê. Như vậy, sản phẩm bất động sản chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình ở mức độ cao, còn sản phẩm bất động sản cho người thu nhập thấp, những đối tượng xã hội thì rất ít. Vốn cho các dự án bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và đóng góp của người dân mua nhà. Do vậy, khi hàng không bán được, thị trường đóng băng, nợ xấu bất động sản tăng cao và gây khó khăn.

Giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là mở rộng tín dụng cho vay cho nhà đầu tư, nhà ở và người mua nhà để ở, đặc biệt người mua nhà ở xã hội; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các hộ gia đình cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu, cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất; cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở…

Ngọc Quang


Nâng cao hiệu lực kiểm toán và giám sát sử dụng ngân sách

Chiều 31-10, QH thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.

Đánh giá chung tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2012 là tích cực, song ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá rõ hơn những mặt hạn chế, yếu kém; trong đó có công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thu. Ví dụ như, Cảng Vân Phong là điển hình của lãng phí chiến lược. Vốn đầu tư ban đầu từ 3.000 tỷ đồng, năm 2007, vào thời điểm khởi công lên 6.000 tỷ đồng, nay lên đến 10.000 tỷ đồng. Năm 2013, đề nghị siết chặt kỷ luật ngân sách, cụ thể là xử lý nghiêm khắc hơn đối với chi vượt dự toán; thực hiện nghiêm các kết luận của kiểm toán, thanh tra.

Về lâu dài, cần sửa Luật Kiểm toán theo hướng nâng cao hiệu lực pháp lý của kiểm toán. QH phải tăng cường giám sát ngân sách, đây là loại giám sát khó, nhưng rất quan trọng trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của QH.

Bày tỏ lo lắng về tính ổn định của cân đối ngân sách, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị cân nhắc khoản chi cải cách tiền lương, đặc biệt là dự kiến cắt giảm khoảng 10.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển để phục vụ mục đích này, bởi như vậy có thể phải đình hoãn một loạt công trình. Nếu cắt thì chỉ cắt các khoản chi lễ hội, đi nước ngoài, chi thường xuyên... để tập trung tăng lương cho nhóm cán bộ nghỉ hưu, đối tượng chính sách.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH, nói: “Tôi cũng phấn khởi khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính hứa tăng lương, nhưng không hiểu sẽ co kéo từ đâu, nếu từ phần chi đầu tư phát triển thì phải xem xét kỹ, tác động của việc này như thế nào”. ĐB Nguyễn Đức Kiên cũng quan ngại về việc ngân sách phải bố trí chi trả nợ công tới 103.700 tỷ đồng, nghĩa là “hút dầu lên cả một năm bán đi không đủ để trả nợ”.

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) lại cho rằng: “Phải tăng chi mới có thu. Mà tăng lương tối thiểu cũng là giúp gia tăng nhu cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất”. Tính toán tăng nguồn thu cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH khác quan tâm, trong đó đề nghị tập trung thu đúng, thu đủ từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng không đồng tình với dự kiến thu phí sử dụng đường bộ từ 1-1-2013.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng phải đánh giá chính xác tác động xã hội của loại phí này đến người dân, doanh nghiệp. Quy định bỏ ân hạn thuế trong tạm nhập tái xuất có nguy cơ “đánh thẳng” vào các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là thủy sản, trong khi nhiều DN trong lĩnh vực này “đang ngoắc ngoải, nay lại phải chôn thêm vốn vào nguyên liệu nhập khẩu”. ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị phát động đề xuất sáng kiến tăng thu; đồng thời mở chiến dịch quyết liệt xử lý nợ thuế tồn đọng nhiều năm...

Nhìn nhận tình hình thu ngân sách là cực kỳ khó, song ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị: “Tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị gương mẫu trong tiết kiệm chi tiêu công. Nhân dân chờ đợi những hành động thiết thực của QH”. 

Ngay sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng phải tính toán tiết kiệm để nâng mức trợ cấp cho những đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp quá thấp; các cán bộ hưu trí… Ngoài ra, sẽ dành thêm một phần nào đó cho những cán bộ đang hưởng lương quá thấp, 2 - 3 triệu đồng/tháng. Có thể chưa điều chỉnh lương tất cả được như mức Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nói, nhưng sẽ ưu tiên những đối tượng như vậy. Chúng ta cũng không nên cắt giảm đầu tư phát triển nhiều quá, như vậy các vùng khó khăn sẽ phải chịu thiệt thòi.

Anh Thư


Về việc tăng lương cho cán bộ, công chức, nghỉ hưu
Trình phương án xem xét trong dự toán ngân sách

Sáng 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến nhiều ĐBQH, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dự kiến trình Quốc hội xem xét phương án tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công ngay khi xem xét quyết định dự toán ngân sách trong kỳ họp này. Sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của xã hội Trương Thị Mai đã trao đổi thêm về vấn đề này với báo giới.

  • Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền: Tăng lương tối thiểu 20% ở khối doanh nghiệp

Tôi nghĩ mức tăng tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công như vậy chưa đáp ứng được mong muốn, nhưng trong điều kiện thu chi ngân sách hiện nay thì đấy đã là một sự cố gắng lớn rồi.

Về tăng lương tối thiểu ở khối doanh nghiệp (DN), chúng tôi đã làm việc với cả người lao động và người sử dụng lao động. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu đề nghị của 5 hiệp hội ngành hàng về vấn đề này. Người sử dụng lao động đồng ý tăng lương; nhưng phản ánh là DN đang gặp khó, chi phí sản xuất tăng… Hiện nay mức tối thiểu chia làm 4 vùng; cao nhất 2 triệu đồng/tháng, thấp nhất có hơn 1 triệu đồng/tháng, nhìn chung chỉ đảm bảo được trên 60% nhu cầu sống tối thiểu nên chắc chắn phải tăng. Nhưng đúng là cũng phải có lộ trình; nếu yêu cầu tăng lương nhanh quá, DN đóng cửa thì người lao động cũng không có việc làm chứ chưa nói đến thu nhập. Từ quan điểm của cơ quan lập chính sách, chúng tôi thấy cần có lộ trình tăng ngay năm 2013 và chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ sẽ tăng từ 1-1-2013, nhưng thay vì tăng đủ 100% như lộ trình thì chỉ tăng khoảng 20% mà thôi. Nếu Chính phủ chấp thuận đề xuất, bộ sẽ thông báo trước cho DN tháng 11 để họ lên phương án, chuẩn bị nguồn lực.

  • Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của xã hội Trương Thị Mai: Phải tính lại cách chia lương từ ngân sách

Ngay cả lương cán bộ, công chức cũng không thể xử lý hiện nay, tức là như nhau cả được. Khu vực hành chính Nhà nước phải tiếp tục đi lên và phải đạt mức lương cơ bản để người ta an tâm với công việc, toàn tâm toàn ý đóng góp cho Nhà nước. Còn khu vực dịch vụ công là khu vực có thu, hoạt động theo luật viên chức, hoàn toàn có thể tạo cơ chế bằng cách có lộ trình tăng giá học phí, viện phí, các dịch vụ công cơ bản… dùng cái đó để quay trở lại đầu tư cho các đơn vị này. Cho nên có thể lấy lương từ khu vực dịch vụ này chuyển sang cho khu vực hành chính. Chúng ta không thể sử dụng một tỷ lệ quá cao ngân sách để chi cho lương mà chỉ có thể sử dụng một phần hợp lý, trên cơ sở phân công lại, chứ người dân không thể chấp nhận một bộ máy Nhà nước quá đông và sử dụng toàn bộ chi phí trả lương quá lớn từ ngân sách. Tất nhiên cần phải có lộ trình. Muốn làm vậy phải cho phép khu vực dịch vụ công quyền chủ động trong việc thu - chi của mình.

Anh Phương ghi

Tin cùng chuyên mục