Với gần 140.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng, mỗi năm, ngân sách TPHCM phải bỏ ra 130 tỷ đồng chi trả tiền điện. Nếu thay thế toàn bộ bằng bóng đèn LED hiệu suất cao, con số tiêu tốn cho hạng mục này chỉ bằng 1/3. Dù vậy, đến nay số đèn LED được lắp đặt còn rất hạn chế. Vì sao?
Tại hội thảo “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ LED trong chiếu sáng đô thị” vừa diễn ra, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Sở KH-CN TPHCM) cho biết, khoảng 35% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước hiện được dùng cho chiếu sáng. Trong khi đó, tại các thành phố lớn của Việt Nam, đến nay đa số vẫn sử dụng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Điều này dẫn đến những hạn chế như tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng và tuổi thọ thấp, hệ thống điều khiển lạc hậu…
Trong khi đó, hiệu quả của đèn LED đã được chứng minh từ lâu thông qua việc ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới. Một số địa phương trong nước cũng đã triển khai thí điểm lắp đặt đèn LED phục vụ chiếu sáng công cộng như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Nội, tuy vẫn còn hạn chế. Tại TPHCM, năm 2010 đã đưa vào sử dụng 28 bóng đèn LED công suất 160W, sử dụng năng lượng gió và mặt trời tại Khu Công nghệ cao. Đến năm 2011, thành phố tiếp tục thí điểm lắp 156 bộ đèn LED tại các tuyến đường thuộc quận 10, Phú Nhuận, Tân Bình. Gần đây, 2 công trình cầu Thủ Thiêm và phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng được trang bị các bộ đèn LED phục vụ chiếu sáng và trang trí. Đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ mới có khoảng 1.200 bộ đèn LED được lắp đặt.
Theo ông Huỳnh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng công cộng Việt Nam, đèn LED hơn hẳn bóng đèn thường nhờ khả năng tiết kiệm điện từ 40% - 70% và tuổi thọ cao, từ 6 - 8 năm. Tuy nhiên, trên thị trường đang tồn tại quá nhiều chủng loại với chất lượng rất “hên xui”. “Dù trong quảng cáo, các công ty luôn đưa ra thông điệp bóng đèn LED có độ bền lớn, tuy nhiên trên thực tế điều này khác hẳn. Sau thời gian ngắn sử dụng tại cầu Thủ Thiêm, tỷ lệ đèn LED hư hỏng là tương đối lớn; khi hư hỏng thì một số linh kiện không có để thay thế vì công nghệ này thay đổi rất nhanh. Không chỉ vậy, những mẫu cũ đang sử dụng hiện nay cũng không có linh kiện để thay vì đã ngừng sản xuất”, ông Dũng “bật mí”.
Bên cạnh đó, chi phí lắp đặt đèn LED quá cao, được cho là rào cản lớn nhất. Mỗi bộ bóng đèn chiếu sáng thường vào khoảng 3 triệu đồng, còn bộ đèn LED hiệu suất cao tương ứng có giá dao động từ 15 - 20 triệu đồng. Theo tính toán, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất từ 65W đến 200W thì thành phố sẽ tiết kiệm được hơn 55 triệu kWh điện/năm (tương đương với 88 tỷ đồng) và giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường mỗi năm. Tuy nhiên, số tiền bỏ ra để thực hiện dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Đại diện Sở KH-CN TPHCM cho rằng, muốn phát triển công nghệ chiếu sáng LED cho đô thị cần phải có giải pháp tài chính hữu hiệu. Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp tư nhân như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ESCO, Điện Quang… cam kết hỗ trợ TPHCM bằng giải pháp đồng đầu tư hoặc đầu tư trả chậm. Trước sức ép về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu trên toàn cầu, về lâu dài Việt Nam phải áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Một trong số đó là thay thế dần các bóng đèn cao áp bằng đèn LED hiệu suất cao. Giải pháp tài chính kể trên đáng được cân nhắc.
TƯỜNG HÂN