
Cùng với nhiều hoạt động lễ hội tôn vinh văn hoá dân tộc, di sản văn hoá Việt Nam, năm nay, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các bộ, viện, trung tâm nghiên cứu văn học nghệ thuật cả nước tổ chức lễ hội kỷ niệm 240 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du.

Tượng đại thi hào Nguyễn Du.
Trong tác phẩm của Nguyễn Du không chỉ có không khí lễ hội mà còn có thế giới trời, Phật, thần thánh, ma quỷ; không chỉ có mồ mả, tha ma, nghĩa địa mà còn có chiêm bao, mộng mị, bói toán. Mà những điều này hầu hết đều tồn tại thường xuyên trong đời sống dân tộc Việt. Nhân dân ta rất thích lễ hội.
Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, thế giới này hiện diện rất rõ. Thanh Lãng nói hơi quá nhưng có cơ sở: “Nguyễn Du thi sĩ của niềm tin dị biệt, thi sĩ của mồ mả, tha ma, nghĩa địa...”. Thật vậy đã có 84 lần Nguyễn Du nhắc đến mồ mả, đình đền, gò đống trong 250 bài thơ của mình. Đây là không gian của người chết.
Quả là Nguyễn Du quan tâm nhiều đến ngôi nhà của người chết. Thực ra trong thơ chữ Hán có bộ phận thơ đi sứ, ở đó ông thường nhắc lại những nhân vật tiếng tăm trong lịch sử Trung Quốc mà ông đã được đọc qua sách vở hay chứng kiến tận mắt trên đường đi, tất nhiên phải nói đến mồ mả, đình đài... tuy không nhất thiết phải vậy? Và ở một số bộ phận thơ khác trong phong cảnh cũng có lẩn khuất hình ảnh những nấm mộ hoang, những đống xương tàn, những đình đài xiêu ngã...
Có phải chính trong Nguyễn Du cũng lẩn khuất những ý niệm về cái chết, về cõi vĩnh hằng mà bản thân ông luôn khao khát muốn khám phá hiểu biết về nó. Trong thế giới của sự sống thì cái chết là một cái gì vô cùng bí ẩn, con người luôn thấy sợ hãi trước nó và muốn hiểu biết về nó. Ai biết nghĩ đến cái chết chính là đang ý thức cuộc sống của mình. Nguyễn Du có phải hơn ai hết đã ý thức về sự sống tạm bợ ngắn ngủi này và luôn lo lắng phập phồng về cái chết. Tại sao nó hủy diệt con người? Tại sao không có một sự sống vĩnh viễn bất tận cho con người? Và khi chết chóc đã là một nỗi lo sợ thì con người tại sao còn thù hằn chém giết nhau?
Quả thật thế kỷ XVIII-XIX với bao biến động, con người sát hại nhau, bao nhiêu thiên tai địch họa, bao nhiêu xác người chết đói ngổn ngang... là cơ sở sinh động nhất để Nguyễn Du ưu tư trăn trở về cuộc đời. Vì thế mà bao nhiêu câu hỏi về nhân sinh cứ chất chật trong đầu của Nguyễn Du khiến ông không thể không đưa nó vào thế giới nghệ thuật của mình. Nó trở thành một mối bận tâm sâu sắc và hễ lúc nào thuận tiện thì nó bật ra trong thơ. Cho nên những đình, đền, gò đống, mồ mả thường phát ra tín hiệu âu lo về cuộc sống nhân sinh và Nguyễn Du là người luôn luôn nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu đó và phát sóng đi, lan truyền tới mọi người.
Trong Văn chiêu hồn, tự thân tác phẩm cũng đã cho thấy một cách rõ rệt hai thế giới âm-dương. Người trên cõi thế cúng tế để giải thoát cho các linh hồn chết oan ở cõi âm. Điều này được làm thường xuyên tại các chùa vào dịp rằm tháng bảy ở nước ta. Dù Nguyễn Du tự sáng tác hay sáng tác theo lời xin của một nhà chùa nào đó thì qua tác phẩm này vẫn thấy rõ quan niệm của ông. ông đang làm công việc mà mọi người dân Việt vẫn làm.
Nếu nói trong Văn chiêu hồn, cảm hứng đã lấn át đề tài, đã khắc phục được nhược điểm của đề tài để làm nên giá trị của tác phẩm, hoặc mượn hình thức tôn giáo để phê phán xã hội thì đây chỉ là một cách nói gượng gạo, thiếu sự “sòng phẳng” trong phê bình và quên đi cái bản chất văn hóa dân tộc bộc lộ hết sức rõ nét chứ không hề ẩn giấu qua một hình thức nào.
Điều này đặc biệt trong đời sống văn học nhưng không lạ trong cuộc sống bình thường. Sáng tác của Nguyễn Du vì sao mãi neo đậu trong lòng người dân đất Việt? Đơn giản bởi một lẽ Nguyễn Du đã nói hộ cho bao người. Cúng tế, cầu Phật, cầu tiên, gọi hồn, bói toán, mộng mị... là những điều không thể tách khỏi đời sống văn hóa Việt, nếp sống Việt. Nguyễn Du từ nhân dân mà ra, sống giữa lòng nhân dân, mất đi trong sự cảm thương của nhân dân, và Nguyễn Du sẽ tồn tại đời đời cùng với nhân dân. Văn hóa bao giờ cũng là nguồn cội của sáng tác, in dấu lên sáng tác.
LÊ THU YẾN