Tìm hướng đi mới cho trái cây Việt Nam

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất (từ 19 đến 24-4-2010) tại Tiền Giang. Festival với nhiều chương trình phong phú, nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu trái cây Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới. Phóng viên Báo SGGP đã có trao đổi với ông NGUYỄN VĂN KHANG (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo thường trực Festival về sự kiện này.
Tìm hướng đi mới cho trái cây Việt Nam

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất (từ 19 đến 24-4-2010) tại Tiền Giang. Festival với nhiều chương trình phong phú, nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu trái cây Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới. Phóng viên Báo SGGP đã có trao đổi với ông NGUYỄN VĂN KHANG (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo thường trực Festival về sự kiện này.

- PV: Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Tiền Giang đề xuất đăng cai Festival trái cây và quy mô tổ chức lần này ra sao?

Ông Nguyễn Văn Khang

Ông Nguyễn Văn Khang

Ông NGUYỄN VĂN KHANG: Tôn vinh công lao và những đóng góp tích cực của nhà vườn, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… cho nền nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trái cây nói riêng là vấn đề thiết thực và cần nên làm.

Cạnh đó, để đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng sản xuất và xuất khẩu trái cây, gắn giữa sản xuất với tiêu thụ để tiến tới hình thành chuỗi kết nối “4 nhà” là việc cần làm ngay nhằm giảm thiểu nguy cơ trái cây Việt Nam bị “thua trên sân nhà”. Với tinh thần trên, chúng tôi cố gắng tổ chức Festival trái cây nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu với các nước về thế mạnh trái cây Việt Nam, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây trong thời gian tới.

Ngoài các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú như: Tứ linh 1.000 năm thương nhớ đất Thăng Long, kỷ lục bản đồ Việt Nam được kết bằng trái cây lớn nhất, kỷ lục Rồng vẽ bằng nghệ thuật Graffiti dài nhất Việt Nam, hội chợ trái cây, ẩm thực, hội thi trái ngon, pháo hoa nghệ thuật… với 700 gian hàng, chúng tôi sẽ giới thiệu nhiều loại trái cây đặc sản trong cả nước và những thành tựu về nông nghiệp.

Tại festival có 3 hội thảo “Cơ hội và thách thức của trái cây trong thời kỳ hội nhập”, “Nâng cao giá trị trái cây - liên kết 4 nhà”, “Du lịch sinh thái kết hợp vườn cây ăn trái”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu quốc tế, nhà vườn…

Cái khác của Festival trái cây là các chương trình sẽ được diễn ra ở nhiều nơi như TP Mỹ Tho, chợ nổi Cái Bè, trung tâm trái cây Hòa Khánh, vùng sầu riêng Ngũ Hiệp, di tích Rạch Gầm Xoài Mút, huyện Chợ Gạo, huyện Cai Lậy… Mỗi địa điểm sẽ có chương trình hoạt động phù hợp và hấp dẫn khác nhau, nhằm thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham gia.

- Để festival thành công và có sức lan tỏa rộng không chỉ trong nước mà cả quốc tế, công tác quảng bá, truyền thông là rất quan trọng. Hiện nay Tiền Giang chuẩn bị cho việc này ra sao?

Trên tuyến quốc lộ 1 từ TPHCM về Cần Thơ và khu vực tỉnh Tiền Giang sẽ treo khoảng 1.500 panô, logo, bảng quảng cáo về festival. Trước, trong và sau festival sẽ phối hợp với các cơ quan báo đài trung ương, TPHCM, địa phương… tuyên truyền liên tục về festival để người dân cả nước biết, đồng thời quảng bá đến nhiều nước nhằm thu hút đông đảo du khách, doanh nghiệp quốc tế đến tham gia, tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

Ban tổ chức sẽ thành lập trung tâm báo chí, trang bị những phương tiện cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên tác nghiệp.

- Tiềm năng về cây ăn trái của chúng ta rất lớn nhưng xuất khẩu chưa như mong muốn, tình trạng “được mùa - dội chợ - rớt giá” cứ luôn tái diễn khiến nhà vườn lao đao. Festival lần này được kỳ vọng thế nào để giải quyết những tồn tại trên?

Đúng là cây ăn trái của chúng ta phong phú, nhiều loại rất ngon, bốn mùa đều có. Tuy nhiên do diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên chưa thể hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa lớn. Chính từ quy mô nhỏ, dạng kinh tế hộ nên sản lượng lúc thừa lúc thiếu, chất lượng không đồng đều khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn. Đặc biệt là khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến… còn rất hạn chế.

Hiện khu vực ĐBSCL và một số nơi khác số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây quy mô, có năng lực chưa bao nhiêu, kém xa doanh nghiệp ngành thủy sản, gạo. Điều đó tác động không nhỏ đến việc đưa trái cây Việt Nam đi xa trên thương trường quốc tế. Thêm nữa, do chúng ta còn lúng túng trong sản xuất và tiêu thụ nên tình trạng rớt giá cứ lặp lại, thậm chí một số loại bị lép vé trước trái cây ngoại nhập ngay trên sân nhà.

Mong muốn của festival lần này là quy tụ được nhiều ngành chức năng, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu… cùng nhau tìm giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh và tìm hướng đi mới cho trái cây Việt Nam.

Từ festival, chúng tôi kỳ vọng sẽ tác động đến từng nhà vườn và các ngành liên quan để làm thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm từ việc chọn giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, xuất khẩu, hướng tới nền sản xuất hàng hóa, có sự đầu tư bài bản, gắn kết chặt chẽ “4 nhà” nhằm tạo ra sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường tiêu thụ dù khó tính nhất.

- Hai vấn đề mà nhiều người quan tâm là sự kết nối các tuyến để đưa khách đi tham quan những vườn cây đặc sản nhiều nơi và sự lợi dụng lễ hội để khách sạn “chặt chém”. Đến nay, Ban tổ chức chuẩn bị việc này ra sao?

Tổ chức lễ hội là để thu hút khách tham quan nhằm phát triển du lịch. Chúng tôi rất chú trọng việc này và đã chỉ đạo ngành chuyên môn chuẩn bị sẵn sàng các điểm đến. Song song đó, phối hợp với các công ty du lịch ở TPHCM và các tỉnh kết nối chặt chẽ tour - tuyến đưa khách đi nhiều nơi như vườn cây đặc sản, đi thuyền trên sông Tiền, thưởng thức món ăn miền Tây…

Tỉnh cũng lường trước việc khách sạn lợi dụng tăng giá, nên đã chỉ đạo ngành thương mại, thuế… yêu cầu các khách sạn cam kết không tăng giá, không làm mất lòng khách. Nếu trường hợp khách về festival quá đông thì Tiền Giang sẽ phối hợp với Bến Tre và Long An nhằm đảm bảo nơi ăn ở chu đáo trong suốt thời gian diễn ra festival.

Huỳnh Lợi

Tin cùng chuyên mục