Tìm hướng phát triển nhanh, bền vững

Vừa qua, lãnh đạo TPHCM đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với gần 300 doanh nghiệp tiêu biểu cùng các hiệp hội ngành, nghề.

 

Với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TPHCM nhanh, bền vững”, các doanh nghiệp đã có hàng trăm ý kiến phát biểu, liên quan đến nhiều vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, cùng những hiến kế tâm huyết để phát triển và xây dựng một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của TPHCM trong giai đoạn mới. Phóng viên Báo SGGP đã ghi lại những ý kiến thiết thực. 
Tìm hướng phát triển nhanh, bền vững ảnh 1 Pha lóc thị heo cung ứng hàng bình ổn thị trường tại SATRA                   Ảnh: CAO THĂNG
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM: Tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp 

Những năm qua, kinh tế tư nhân đã trở thành động lực trực tiếp của TPHCM, hiện chiếm 53,6% tổng giá trị GRDP và 67,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15%, nhưng số vốn đăng ký tăng 42%. Năm 2017, doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng tới 200%. TPHCM được xếp thứ 2 trong số 10 TP năng động nhất thế giới. Trong số 4 doanh nghiệp Việt Nam được xếp trong nhóm 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, đều có trụ sở tại TPHCM. Tuy nhiên, TPHCM cũng đối mặt với những thách thức lớn khi chỉ có 1,49% doanh nghiệp lớn, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. 
 
Để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, UBND TPHCM đã đưa ra 5 nội dung cam kết mạnh mẽ: Thứ nhất, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh (giảm 30% các cuộc họp và dành thời gian để đi thực tế nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp); phấn đấu thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư của Tổ công tác liên ngành về đầu tư giảm 50% so với quy định. Đến năm 2020, có 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu chỉ số cải cách hành chính của TPHCM năm 2018 nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

 Thứ hai, hỗ trợ toàn diện các yếu tố căn bản để doanh nghiệp phát triển bền vững, vươn tầm thế giới. Trong năm 2018, thành lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình kích cầu đầu tư; thành lập quỹ phát triển dự án, quỹ bù đắp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Thứ ba, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, trọng tâm là 4 ngành công nghiệp trọng yếu; hỗ trợ gián tiếp và trực tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo kết nối, ươm tạo... Quy hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000m2 trên toàn TP.

Thứ tư, tất cả các cơ chế, chính sách đặc thù đang nghiên cứu và triển khai theo Nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ góp phần giúp doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững, tuyệt đối không cản trở lưu thông hàng hóa cũng như không tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. 

Thứ năm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp tác của doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra 1 lần trong năm.

Ngoài ra, TP cũng kỳ vọng từng doanh nghiệp phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế, dấn thân đổi mới sáng tạo; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; đẩy mạnh đầu tư và tham gia kêu gọi đầu tư đối với 127 dự án trọng điểm của TP có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng; tích cực đề xuất các cơ chế, chính sách, cũng như tham gia góp ý, hiến kế, phản biện với tinh thần trách nhiệm việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, 7 Chương trình đột phá, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và những vấn đề quan trọng khác. 

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn:  Đầu tư mạnh dịch vụ cảng biển

Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM đạt trên 80 tỷ USD, thì xuất khẩu chiếm 35 tỷ USD; trong đó 70% thuộc doanh nghiệp FDI, 30% còn lại tương đương khoảng 10 tỷ USD là doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý, tình trạng hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu theo dạng tự lực, tự phát theo ngành nghề đang kinh doanh, không theo một định hướng, chiến lược chung. Thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng đến các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, mới chỉ dừng ở thị trường truyền thống. Đơn hàng xuất khẩu nhỏ, lẻ và không có nhiều hàm lượng công nghệ cao; ít đầu tư nghiên cứu, phát triển. 

Về dịch vụ cảng biển (logistic), TPHCM có nguy cơ mất lợi thế về nguồn lợi. Hàng xuất nhập khẩu nhiều và hàng trung chuyển ít. Hạ tầng đầu tư chưa tương xứng với năng lực dịch vụ xuât nhập khẩu của TP (kẹt xe, không có kho bãi trung tâm).

UBND TPHCM cần xây dựng định hướng chiến lược các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có lợi thế cạnh tranh, thời gian chậm nhất từ nay đến năm 2025 để doanh nghiệp có định hướng đầu tư phát triển. Trong đó, cần chấm dứt các sản phẩm xuất khẩu có yếu tố gia công lắp ráp và công nghệ cũ, ưu tiên các sản phẩm mang tính đặc thù của Việt Nam. Đầu tư quyết liệt hơn nữa để TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu lớn ở khu vực Đông Nam Á, tương đương Singapore (về kho bãi tập trung hàng hóa và vận tải). Đối với khu vực văn phòng, tập trung các công ty dịch vụ xuất nhập khẩu, hãng tàu chuyên nghiệp… cần kiên quyết dành quỹ đất với ít nhất 100ha để tập trung một đầu mối cho việc này. Tạo chính sách tốt về chi phí cho các hãng vận tải sử dụng cảng tại TPHCM làm nơi trung chuyển hàng hóa đi khắp thế giới. Nếu thực hiện tốt các vấn đề tồn tại hiện nay, TPHCM sẽ giảm được nhiều chi phí logistic. 

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Nêu cao tinh thần doanh nghiệp Việt

Căn cứ các quy định hiện hành và Nghị quyết 45 của Quốc hội gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND TPHCM cần nghiên cứu, điều chỉnh quy trình đấu thầu. Quy định riêng cách thức mời thầu các dự án đầu tư công, mua sắm công cũng như các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA theo hướng ưu tiên cho doanh nghiệp TP tham gia nhận thầu, như quy định tỷ lệ sử dụng dịch vụ, sản phẩm nội địa theo từng lĩnh vực của dự án; quy định tiêu chuẩn hàng hóa thay vì hàng hóa xuất xứ trong các dự án mời thầu; không đặt nặng điều kiện tham gia đấu thầu. 

Bên cạnh đó, cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch và kịp thời kế hoạch các dự án đầu tư công sẽ triển khai, mời thầu để doanh nghiệp biết và tham gia. Phân công Hiệp hội Doanh nghiệp TP cử đại diện tham gia ngay từ đầu xây dựng các dự án đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục quán triệt và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tất cả các sở ban ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài nước là chủ đầu tư, thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khi đàm phán các gói đầu tư lớn của TP như tàu điện ngầm, lãnh đạo thành phố cần quan tâm đến tỷ lệ nội địa hóa. Vì hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí điện trên địa bàn TP đã có thể chế tạo được nhiều phụ tùng, linh kiện chất lượng cao và đã xuất khẩu sang các nước phát triển. Về phía doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận những chương trình hỗ trợ của TP; không ngừng nâng cao và cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người sử dụng; nêu cao tinh thần doanh nghiệp Việt vì người tiêu dùng Việt. Bằng nhiều hình thức tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực chủ thầu.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Saigon Food:  An toàn thực phẩm trong trường học phải được đặt lên hàng đầu

Theo tôi, mảng thực phẩm cung ứng cho các trường học đến nay vẫn chưa được kiểm soát tốt. Vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học phải được đặt lên hàng đầu, bởi lẽ chất lượng thực phẩm liên quan đến chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp có thương hiệu đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao nhưng chưa tiếp cận được với các trường học vì nhiều nguyên nhân. Hội Lương thực thực phẩm cần kiến nghị UBND TP chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp trong hội được đấu thầu, đưa sản phẩm an toàn vào trường học. Các doanh nghiệp sẽ dùng công nghệ để phụ huynh có thể theo dõi, kiểm soát, thậm chí chọn món ăn cho con mình. 

Tôi rất nóng lòng khi mỗi năm Saigon Food xuất khẩu 15.000 tấn thực phẩm chế biến các loại vào thị trường Nhật Bản, trong khi học sinh trong nước lại không được sử dụng nguồn thực phẩm có chất lượng và an toàn. Nếu có sự chỉ đạo từ trên xuống, chúng tôi cam kết sẽ làm tốt điều đó.

Tin cùng chuyên mục