Khu vực 3 được tính từ tỉnh Ninh Thuận trở vào, bao gồm 21 tỉnh, thành, với hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa (vật thể và phi vật thể) đã được xếp hạng (cấp quốc gia, tỉnh, thành phố) và rất nhiều di tích đang được kiểm kê. Các di tích có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân địa phương, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao giá trị văn hóa xã hội, quảng bá du lịch…
Dù trong những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa vẫn được Nhà nước, các cấp lãnh đạo ban ngành và cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư nhưng thực trạng các di tích bị xâm hại, xuống cấp, sửa chữa còn nhiều bất cập. Quá trình phát triển đô thị, ý thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn các di tích còn kém, hoạt động khai thác các giá trị di tích trong giáo dục tuyên truyền và du lịch chưa hiệu quả đã ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Không ít địa chỉ đỏ đã và đang có nguy cơ trở thành phế tích.
Trước hiện trạng trên, vừa qua Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội thảo “Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa khu vực 3” tại tỉnh An Giang, với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, đại diện sở VH-TT-DL các tỉnh thành trong khu vực. Gần 60 tham luận và nhiều ý kiến đóng góp gửi về ban tổ chức đã nhấn mạnh sự quan tâm sâu sắc, ý thức trách nhiệm về công tác bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa. Từ đó, cho thấy cần khẩn trương tiến hành giải quyết từng nội dung cụ thể, định hướng lại hoạt động tu bổ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trong đời sống hiện đại, tiếp tục hội nhập và phát triển nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc độc đáo riêng biệt, đậm đà văn hóa dân tộc truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL phía Nam tại TPHCM, trăn trở: “Quá trình hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Chính các tham luận, ý kiến đóng góp tại hội thảo đã gợi mở ra nhiều vấn đề lớn, nóng trong tình hình hiện nay.
Bộ VH-TT-DL sẽ nghiêm túc xem xét, bổ sung, điều chỉnh các chủ trương chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện để công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa khu vực 3 nói riêng và cả nước nói chung có bước phát triển mới, bền vững, có chiều sâu và hiệu quả hơn đối với quá trình hội nhập khu vực và thế giới hiện nay.
Cụ thể sắp tới, chúng tôi có thể đưa ra những quy định phù hợp với thực tế trong việc xây dựng trùng tu di tích, hướng dẫn quy định chủ trương xã hội hóa công tác tu bổ di tích và cơ chế huy động các nguồn kinh phí khác, mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ chuyên ngành, cụ thể hóa sự hỗ trợ chế độ cho đội ngũ làm công tác bảo tồn. Cục Di sản và các địa phương nên cụ thể hơn các giải pháp, quy định cụ thể trong công tác bảo tồn bảo tàng…”.
Thúy Bình