Tìm kiếm công bằng

Tìm kiếm công bằng

Tư pháp Luxembourg ngày 29-6 đã mở phiên tòa xét xử đối với 3 công dân Pháp, nhưng vụ xét xử này gây ra phản ứng trái chiều, thu hút sự quan tâm của dư luận bởi những người bị kết tội là những người vạch trần nạn trốn thuế của Luxembourg. Antoine Deltour, Raphael Halet và Edouard Perrin đã tố cáo các tập đoàn như Apple, IKEA, Pepsi… gian lận thuế hàng tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2002 - 2010. Các công ty này đã có những thỏa thuận ngầm với sở thuế Luxembourg để được hưởng thuế suất thấp hơn quy định.

Đoàn người tuần hành thể hiện sự ủng hộ cho 3 công dân Pháp

Lâu nay, Luxembourg vẫn được coi là thiên đường thuế nhưng việc bị tố cáo để công chúng biết đến rộng rãi thế này thì là lần đầu tiên. Cũng như các thiên đường thuế khác, Luxembourg phải cạnh tranh để thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài thông qua những ưu đãi khác nhau về thuế. Dù phía Chính phủ Luxembourg khẳng định cách làm thuế của công quốc này là phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng nếu chứng minh được các quy định của Luxembourg hỗ trợ cho việc trốn thuế thì nước này sẽ bị trừng phạt nặng.

Trong 3 người bị buộc tội, ông Antoine Deltour và ông Raphael Halet từng là nhân viên của hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC), còn ông Edouard Perrin là nhà báo. Hai nhân viên của PwC bị buộc tội ăn cắp dữ liệu của công ty, tiết lộ bí mật kinh doanh, vi phạm bí mật nghề nghiệp và rửa tiền. Ông Antoine Deltour bị kết án 12 tháng tù treo, ông Raphael Halet 9 tháng tù treo. Hai người này còn phải nộp phạt lần lượt là 1.500 EUR và 1.000 EUR. Riêng nhà báo Edouard Perrin được xử trắng án.

Tư pháp Luxembourg cho biết, hoan nghênh các bị cáo đã tố cáo nạn trốn thuế, hành động vì lợi ích chung, nhưng điều này không thể biện minh cho việc đánh cắp và phổ biến hàng ngàn tài liệu bí mật của các công ty mà họ đã từng làm việc trong đó. Nói về điều này, ông Antoine Deltour cho hay: “Điều mà tòa án muốn nhắn nhủ là nếu quý vị có nhìn thấy hàng tỷ USD bị biển thủ, trốn thuế, những hành vi lẩn tránh quy định thuế khóa, quý vị hãy nhắm mắt lại và đặc biệt là không được cho ai biết. Tôi nghĩ là không một công dân nào hài lòng với phán quyết của tòa. Do vậy tôi sẽ kháng án”.

Theo luật sư William Bourdon, người bào chữa cho ông Antoine Deltour, bí mật kinh doanh được bảo vệ về mặt pháp luật trên phạm vi châu Âu, nhưng những người đóng vai trò cảnh báo, tố giác nạn trốn thuế thì ít được pháp luật bảo vệ. Ông Bourdon cho biết, hiện có một cuộc chiến quyết liệt mà giới vận động hành lang tiến hành để tìm cách kết tội những người dám tố cáo nạn trốn thuế. Đây là những hành vi nghiêm trọng, trái với pháp luật, trái với đạo đức và đạo lý sơ đẳng nhất, để họ có thể tiếp tục trốn thuế mà không bị trừng phạt.

Vụ xét xử của Luxembourg diễn ra không lâu sau vụ Hồ sơ Panama - một tài liệu cũng vạch trần về các thiên đường thuế trên thế giới. Hai vụ việc tai tiếng này đã buộc Liên minh châu Âu phải thắt chặt các quy định nhằm chống lại những thỏa thuận tương tự. Tuy nhiên, vụ việc ở Luxembourg lần này còn thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, bởi kết quả tuyên án của tư pháp Luxembourg là một thách thức đối với những ai dám đứng ra vạch trần nạn trốn thuế đang gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế toàn cầu.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục