Tìm lợi ích lâu dài

Hôm nay 30-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến New Delhi (Ấn Độ) trong lúc Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang tập trận Malabar ở Thái Bình Dương. Chuyến thăm càng thắt chặt mối quan hệ với chính quyền mới của quốc gia Nam Á mà Mỹ đã chọn là một trong những đối tác quan trọng trong thời gian tới.

Hôm nay 30-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến New Delhi (Ấn Độ) trong lúc Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang tập trận Malabar ở Thái Bình Dương. Chuyến thăm càng thắt chặt mối quan hệ với chính quyền mới của quốc gia Nam Á mà Mỹ đã chọn là một trong những đối tác quan trọng trong thời gian tới.

Ông John Kerry không giấu những tính toán của Washington với lời khẳng định, Ấn Độ là một trong những yêu cầu chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đã chọn lựa sẽ gắn bó dài hạn để củng cố vị thế, quyền lợi của mình.

Đây sẽ là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Ngoại trưởng John Kerry kể từ khi quan hệ ngoại giao hai nước căng thẳng không cần thiết vào cuối năm 2013 liên quan đến một nhân viên ngoại giao Ấn Độ. Nhiệm vụ của ông John Kerry lần này ngoài làm tan băng còn chuyển thông điệp của Tổng thống Mỹ Obama đến Thủ tướng Ấn Độ Modi rằng Mỹ muốn hợp tác toàn diện với Ấn Độ và điều này, như Mỹ khẳng định, là sẽ có lợi cho chính quyền của ông Modi. Mỹ đánh giá quan hệ hai nước trong tương lai là quan hệ đối tác không thể thiếu.

Ngay sau khi ông Modi nhậm chức, Washington đã mời Thủ tướng Modi sang thăm Mỹ vào tháng 9 tới, cùng với đó Mỹ lập tức xóa bỏ chuyện từng từ chối thị thực của ông Modi vào năm 2005 dưới thời Tổng thống Bush. Mỹ cũng đã cử sứ giả đầu tiên là Thượng nghị sĩ John McCain, người từng chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 đến Ấn Độ chúc mừng ông Modi. Việc chọn ông John McCain là tính toán khéo léo của Tổng thống Obama vì ông John McCain là người của đảng Cộng hòa. Một mặt, cuộc gặp nhằm gỡ bỏ gút mắc giữa ông Modi với đảng Cộng hòa của Mỹ. Mặt khác, ông John McCain đề cập đến sự cần thiết nâng tầm quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ để cùng hỗ trợ trong vấn đề an ninh biển Đông.

Sau ông John Kerry, Mỹ sẽ tiếp tục cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đến New Delhi để bàn thảo cụ thể hơn về hợp tác quân sự cũng như đầu tư cho các dự án năng lượng hạt nhân của hai nước. Mỹ đã sớm đề cập đến vấn đề này từ tháng 5 vừa qua, khi biết chắc chắn ông Modi sẽ là Thủ tướng. Khi ấy, Đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy các chiến dịch hải quân của Mỹ đã công khai đề cập hải quân Mỹ muốn hợp tác với hải quân Ấn Độ nhằm tạo nên thế cân bằng quân sự vững chắc trước những tình huống căng thẳng ở khu vực.

Những bước đi kế tiếp để Washington thuyết phục New Delhi là tổ chức các cuộc đối thoại song phương mà ở đó, Ấn Độ tìm thấy lợi ích về việc tăng cường nguồn vốn và được hỗ trợ về kỹ thuật, là những thứ mà Ấn Độ đang thiếu. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Modi cho rằng chính quyền Ấn Độ sắp tới sẽ có những điều chỉnh về thu hút vốn nước ngoài. Đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ sẽ cho phép dòng vốn FDI chiếm đến 49%.

Cho đến nay, Ấn Độ chưa đưa ra lời cam kết mạnh mẽ nào về khả năng chú trọng, thắt chặt quan hệ với Mỹ mà vẫn chỉ xem Mỹ là đối tác lớn, chưa phải là đối tác chính của nước này. Nhưng Mỹ thì lại rất nhiệt tình, hòng cố gắng chiếm được lòng tin của Ấn Độ, quốc gia vẫn đang cân nhắc hợp tác ở mức độ như thế nào với các nước vì phương châm của ông Modi là cân bằng ngoại giao để phát triển kinh tế. Nhiệm vụ khó khăn của Mỹ là làm sao để Ấn Độ thấy được tính chất sống còn và cần thiết chọn Mỹ đi đường dài trong khi xung quanh vẫn còn nhiều lời mời gọi hợp tác đầy hứa hẹn.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục