* Đồng Nai kiến nghị tạm cấm vận chuyển heo từ các tỉnh miền Bắc vào Nam

Tìm nguyên nhân phát sinh dịch tả heo châu Phi ở thôn Hiền An

Trưa 19-3, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các cơ quan chức năng đang nỗ lực điều tra làm rõ nguyên nhân phát sinh ổ dịch tả heo châu Phi ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Báo SGGP đã thông tin).

Theo kết quả xác minh ban đầu, hộ dân có heo nhiễm dịch chỉ cho heo ăn bằng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng; khu chăn nuôi của hộ này nằm tách biệt; trước khi đàn heo mắc dịch chủ hộ không sử dụng thịt heo làm thực phẩm… Xã Phong Sơn là địa phương miền núi, nằm cách QL1A qua địa bàn huyện Phong Điền chừng 15km, các địa phương nằm dọc QL1A lại chưa xuất hiện dịch. Hiện các địa phương gần vùng có dịch đã thành lập các chốt xung quanh khu vực ổ dịch để phòng ngừa dịch lây lan. Đồng thời, triển khai rà soát những nơi mua bán, giết mổ… để thực hiện không mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt heo trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn thôn Hiền An.

Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế lấy bệnh phẩm và tiến hành tiêu hủy heo nhiễm dịch tả heo châu Phi ở thôn Hiền An
 Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính ban hành Quyết định số 582 về việc thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời “dã chiến” trên QL1A, phía Nam tỉnh Quảng Trị, tiếp giáp với địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế để phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Chốt kiểm dịch động vật phía Nam tỉnh Quảng Trị gồm 6 người, hoạt động 24/24 giờ từ ngày 19-3, đến khi tình hình dịch bệnh ổn định.


Ngày 19-3, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai vừa kiến nghị Trung ương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật theo đường bộ, thủy, hàng không… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; xem xét tạm cấm vận chuyển heo từ các tỉnh miền Bắc vào Nam đến khi dịch bệnh được dập tắt; tạm thời ngưng nhập thịt đông lạnh từ các quốc gia có xuất hiện dịch tả heo châu Phi…

Bên cạnh đó, ngoài chốt Ông Đồn trên QL1, tại điểm giáp ranh giữa xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) và tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai cũng vừa lập thêm 1 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên QL20 tại điểm giáp ranh giữa địa bàn huyện Tân Phú và tỉnh Lâm Đồng. Chốt kiểm dịch động vật tạm thời này sẽ kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus dịch tả heo châu Phi vào tỉnh.

Hiện Đồng Nai đang ưu tiên ngân sách cho công tác phòng dịch, từ việc mua sắm thiết bị, dụng cụ đến bố trí ngân sách cho công tác tiêu độc, khử trùng; hỗ trợ cho đội ngũ tham gia phòng, chống dịch…

Chiều 19-3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức tọa đàm về cách nhận biết, các giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch tả heo châu Phi, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ thịt heo an toàn. 

Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 294 xã, 62 huyện của 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thừa Thiên - Huế là địa phương mới nhất phát sinh dịch. Tổng số heo buộc phải tiêu hủy là hơn 34.700 con. Theo ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh và rộng. Vấn đề quan trọng hiện nay là trang bị khả năng nhận diện cho người chăn nuôi để kịp thời phát hiện. Bệnh xảy ra ở mọi loại heo nên dễ dàng nhận biết được và khả năng heo chết 100% khi nhiễm bệnh. Nếu thấy hiện tượng này, người dân cần báo chính quyền thôn xã, cán bộ thú y, khuyến nông; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý heo bệnh, heo chết, không giấu dịch, không vứt heo bệnh, heo chết ra môi trường; thực hiện vệ sinh khử trùng để dịch không lây lan; không bán heo mà thực hiện phòng dịch là chính.

Còn PGS-TS Phan Thanh Tâm, giảng viên ngành Công nghệ chế biến thực phẩm thuộc Đại học Bách Khoa (Hà Nội), lưu ý, khi thịt được nấu chín thì rất an toàn, vì vậy, thịt heo cần được chế biến kỹ. Khi đun, nấu, có thể dùng vật nhọn xiên vào thịt khi chế biến để xem thịt đã chín chưa. Nếu thấy dịch tiết ra không có màu đỏ hồng thì mới đảm bảo.

Tuy nhiên, bà Phan Thanh Tâm bày tỏ lo lắng nhất là các loại thịt lên men như: thịt muối, nem chua, thịt chua… Bởi lẽ, các loại thịt này, giun, sán chưa thể bị loại bỏ hết, vì thế, người tiêu dùng phải hạn chế các loại thực phẩm này.


Tin cùng chuyên mục