Tìm nội lực trong nước

Tình cảnh ảm đạm của thị trường dầu mỏ thế giới và các lệnh cấm vận từ phương Tây buộc Chính phủ Nga phải đề ra nhiều kế hoạch chuyển mình nhằm giữ ổn định nền kinh tế.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siliuanov tuyên bố Nga sẽ tự tìm các nguồn tài chính bị thiếu hụt từ thị trường tài chính trong nước. Kế hoạch vay vốn nước ngoài trong năm 2016 là khoảng 3 tỷ USD, trong khi kế hoạch vay vốn trong nước sẽ lên tới mức 12,4 tỷ USD.

Bộ Tài chính Nga còn cho biết chiến lược hạn chế thâm hụt ngân sách quốc gia sẽ giúp ngân hàng trung ương Nga hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tăng lợi tức cổ phiếu của các doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của họ đối với các chương trình đầu tư, giúp ngân sách quốc gia trong năm 2016 có thêm 400-450 tỷ rouble (khoảng 6,2 đến 6,9 tỷ USD) từ biện pháp này.

Một tín hiệu khá lạc quan là hiện nay, trái phiếu Nga vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Kể từ khi tham gia lại vào thị trường tài chính thế giới năm 2013, Nga đã phát hành tới 1,75 tỷ USD trái phiếu bằng đồng EUR với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 4,75%/năm. Hơn 70% trái phiếu EUR của Nga do các nhà đầu tư nước ngoài mua. Mặc dù chịu áp lực của Mỹ và phương Tây, nhưng nhu cầu mua trái phiếu Nga của các nhà đầu tư nước ngoài ở các khu vực khác nhau cho thấy mức độ tín nhiệm cao đối với nước Nga.

Chính phủ Nga khẳng định, chưa có nhu cầu tài chính để phải bán trái phiếu mà chỉ muốn khẳng định sự tham gia của nước này vào thị trường tài chính thế giới, cũng như đánh giá nhu cầu của thị trường. Đợt chào bán trái phiếu mới của Nga đang diễn ra còn có mục đích thu hút các nhà đầu tư trong nước do giới đầu tư nước ngoài lo ngại về việc mua trái phiếu không có sự chấp thuận của các cơ quan tài chính phương Tây.

Nền kinh tế Nga chịu tổn thất nặng vào năm 2014, khi đồng rouble mất khoảng một nửa giá trị so với USD trong bối cảnh giá dầu thế giới thấp và lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Theo dự đoán của giới chuyên gia kinh tế, giá dầu thế giới sẽ ở mức khoảng 40 USD/thùng trong 3 năm tới. Do vậy, mức thâm hụt ngân sách của Nga trong năm nay sẽ khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ lạm phát năm nay của Nga sẽ ở mức 6% hoặc thấp hơn.

Chính phủ Nga đã đưa ra mức dự báo cho rằng nền kinh tế Nga có thể đạt mức tăng trưởng bền vững 4%/năm sau khoảng 2 đến 3 năm nữa. Hiện nay, phạm vi và quy mô tác động của lệnh trừng phạt đang giảm dần do nền kinh tế Nga đã dần thích nghi và hình thành cơ chế phản vệ. Điển hình như thực phẩm - một trong những lĩnh vực được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất sau lệnh trừng phạt, các doanh nghiệp thực phẩm nội địa Nga đã cho thấy khả năng trụ vững trước cơn bão trừng phạt.

Bằng nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ, Nga đã giảm thiểu được tác động của đòn trả đũa cấm nhập khẩu nông sản châu Âu do Mátxcơva áp dụng. Đồng thời thúc đẩy sản xuất gia cầm trong nước tăng trưởng 9%, tỷ lệ pho mát nhập khẩu trên thị trường Nga giảm từ mức 40,6% năm 2014 xuống còn 22% trong năm 2015.  Có lẽ không khó để thấy rằng, điện Kremlin đã nhận ra vào thời điểm này, cải cách, tìm hướng đi chính là lựa chọn cần thiết.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục