Tìm sự khác biệt cho trà

Cùng được che mát bởi bóng núi Tam Đảo, song trà Tân Cương (TP Thái Nguyên) và trà La Bằng (huyện Đại Từ) đang đi tìm sự khác biệt từ cách chọn giống đến cách chế biến. Đây là 2 vùng trà đặc sản nổi tiếng nhất hiện nay của xứ trà Thái Nguyên.
Tìm sự khác biệt cho trà

Cùng được che mát bởi bóng núi Tam Đảo, song trà Tân Cương (TP Thái Nguyên) và trà La Bằng (huyện Đại Từ) đang đi tìm sự khác biệt từ cách chọn giống đến cách chế biến. Đây là 2 vùng trà đặc sản nổi tiếng nhất hiện nay của xứ trà Thái Nguyên.

Từ trà cành

Những vùng trà nổi tiếng nhất xứ Thái thường nằm bên bờ sông Cầu hoặc men theo chân dãy núi Tam Đảo, gồm: Tân Cương, La Bằng, Phúc Thuận, Minh Lập, Tức Tranh, Vô Tranh… Trà Tân Cương nổi danh đến cả thế kỷ nay, còn gần đây nói đến trà đặc sản Thái Nguyên người ta không thể không xuýt xoa nhắc đến trà La Bằng.

Trà Đại Từ, Thái Nguyên

Trà Đại Từ, Thái Nguyên

Trà La Bằng đã thật sự trở thành “đối thủ” của Tân Cương với 2/4 lần đạt giải nhất hội thi chất lượng trà ngon của tỉnh Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã trà La Bằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã La Bằng kể rằng, trà trung du truyền thống đã được trồng tại La Bằng từ thời Pháp thuộc. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, người làm trà giàu kinh nghiệm nhưng trà La Bằng ít được ưa chuộng do chất lượng chưa thật nổi trội.

Từ những năm 1990, các hộ làm trà ở La Bằng cử đại diện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các vùng trà có tiếng, chọn các giống trà mới để tạo nên sự khác biệt… Từ đó người dân La Bằng đã mạnh dạn bỏ các vườn trà tạp, trà già cỗi để trồng các giống trà có những ưu điểm vượt trội như: Long Vân, Keo Am Tích, Phúc Văn Tiên, Kim Tuyên, Bát Tiên, IR777… Sản phẩm trà búp khô giống mới có thương hiệu hết sức dân dã là trà cành (trà trồng bằng cành thay vì trồng bằng hạt như trước đây) được người tiêu dùng săn đón ngay từ khi bắt đầu có mặt thị trường.

Thật khó đưa ra kết luận trà nào ngon hơn. Nhiều người chỉ “kết” hương vị trà trung du truyền thống, nhưng không ít người lại mê trà giống mới. Đối với người sành trà cho rằng, trà cành phảng phất hương hoa thiên nhiên, dịu mát, nước trà xanh đẹp, vị đậm, bền nước. Còn đối với người sản xuất, trà cành cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và giá bán cao, có thể cho thu nhập cao gấp đôi trà trung du.

Cuối năm 2006, các hộ trồng trà tại La Bằng thành lập Hợp tác xã La Bằng, hướng tới sản phẩm trà an toàn, chất lượng cao. Hiện La Bằng có gần 300ha trà cho thu hoạch, sản lượng hàng năm trên 700 tấn búp khô. Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn trong trồng và chăm sóc, người dân La Bằng đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật sao chế trà. Toàn bộ sản phẩm trà búp khô đều là trà “sao suốt”. Bởi vì, từ công đoạn sao, vò, lấy hương đều chế biến theo phương pháp truyền thống. Tháng 10-2008, trà La Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, hiện sản phẩm trà búp khô được bảo quản ép chân không, được tiêu thụ với mức giá từ 150.000-300.000 đồng/kg.

... đến trà siêu sạch

Câu lạc bộ trà hữu cơ Tân Cương (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) là đơn vị đầu tiên của cả nước được tổ chức Hữu cơ quốc tế IFOAM và tổ chức ICEA (Italia) cấp giấy chứng nhận sản phẩm trà sạch theo tiêu chuẩn châu Âu. Bà con nông dân quen gọi ông Nguyễn Văn Kim, Chủ nhiệm CLB là “ông Kim siêu sạch” hoặc “ông Kim riềng tỏi”. Các tên gọi đều xuất phát từ cách làm trà sạch của ông. Ông Kim cho biết, CLB trà hữu cơ Tân Cương thành lập năm 2005 với 16 hộ tham gia, diện tích trà trồng thử nghiệm gồm 1,5ha. Đây là sự thay đổi hẳn phương thức canh tác từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trong suốt quá trình trồng, chăm bón và chế biến.

Một vườn trà để sản xuất trà hữu cơ phải mất vài ba năm chuyển đổi. Trong suốt quá trình đó, để cây trà phát triển bình thường, người làm vườn phải hết sức chú tâm chăm sóc từ ủ bón phân, dọn cỏ… Nhưng trần ai nhất vẫn là công tác phòng trừ sâu bệnh. Ông Kim cho biết, những nương trà vốn dĩ đủ dinh dưỡng, cây khỏe có sức chống chọi tốt, nay đột ngột bị cắt giảm lượng phân hóa học, cây yếu, sâu bệnh dễ tấn công.

Lúc này, chủ vườn phải chăm cây hơn cả chăm con mọn. Hàng ngày phải dùng kính lúp để phát hiện trứng sâu trên lá trà, dùng các loại bẫy để diệt bắt. Đối với người làm trà, lợi ích trước mắt là tận dụng nguồn lao động dôi dư và tiết kiệm chi phí đầu vào (giảm tới 60% so với sản xuất thông thường), còn về lâu dài là môi trường sống được cải thiện, sức khỏe người dân vùng trà được bảo vệ tốt và sản xuất ra những sản phẩm siêu sạch phục vụ người tiêu dùng.

Hiện CLB trà hữu cơ Tân Cương có 18 hộ tham gia với diện tích 3,5ha, hàng năm bán trên 5 tấn trà búp khô thành phẩm sang thị trường các nước Đông Âu. Đánh giá về chất lượng trà hữu cơ, ông Kim khẳng định đây là loại thức uống giàu dinh dưỡng, không hề có dư lượng hóa chất độc hại, nước trà xanh trong, bền màu, trà có thể bảo quản được lâu, khi ướp hoa thì rất bền hương. Hàng chục hộ làm trà đã đăng ký gia nhập CLB, mở rộng diện tích trà hữu cơ lên 5ha vào năm 2010. Với cách trồng, chăm sóc và chế biến theo hướng siêu sạch, trà Tân Cương hứa hẹn cũng tạo sự khác biệt, để trở thành vùng trà đặc sản hấp dẫn trong thời gian không lâu

BẠCH LIỄU

Tin cùng chuyên mục