Tín dụng vi mô: Giỏ bánh hay mồi câu?

Tín dụng vi mô: Giỏ bánh hay mồi câu?

Cùng với thành công của Ngân hàng Grameen, tín dụng vi mô đã được nhân rộng ở nhiều nơi trên thế giới với sự ra đời của nhiều tổ chức hoạt động theo cách thức tương tự. Các nhà đầu tư lớn như ngân hàng Morgan Stanley cũng ngấp nghé vào lĩnh vực này.

Câu chuyện điển hình

Tín dụng vi mô: Giỏ bánh hay mồi câu? ảnh 1

Tín dụng vi mô giúp nhiều phụ nữ châu Phi làm chủ được cuộc sống của mình.

Trong một hội nghị nhỏ mới đây về tín dụng vi mô ở TTGDCK London (LSE), Chủ tịch Ngân hàng Phụ nữ Thế giới (WWB) Mary Ellen Iskenderian, đã đem đến một câu chuyện điển hình về một phụ nữ Kenya với một khoản vay nhỏ từ ngân hàng của bà. Mọi chuyện bắt đầu khi Joyce Wafukho, lúc đó đang ở những năm đầu của lứa tuổi 30, nhận thấy một mặt hàng thiếu vắng ở ngôi chợ nhỏ miền quê của mình. “Ở đó không có bất kỳ một cửa hàng đồ gia dụng nào” -bà Iskenderian nói. “Sau khi vay mượn từ các thành viên khác trong gia đình, cộng với khoản tiền dành dụm được, bà ấy bắt đầu bán các loại đinh ốc ở một kiosk. Bà cũng bán cà chua, tất nhiên không đạt chuẩn quốc tế” -bà Iskenderian pha trò rồi kể tiếp:  “Tuy nhiên, bà ấy cần một ít vốn để đầu tư nhiều hơn. Nhưng dù cố gắng hết sức, bà không vay được xu lẻ nào từ các ngân hàng trong nước. Cho đến khi bà mượn được 70 USD ở chi nhánh WWB. Số tiền này đã tạo một cuộc cách mạng trong cuộc đời của bà ấy”.

Khoản tiền nhỏ này đã làm thay đổi tình cảnh 3 đứa con của Wafukho, giúp em gái bà có thể đi học ngành y. 7 năm sau, bà Wafukho thuê hơn 20 người làm cho mình. Nhân viên thứ 26 được bà thuê chính là chồng bà. “Tín dụng vi mô không chỉ giúp cho phụ nữ, mà còn giúp đoàn tụ gia đình” - bà Iskenderian hào hứng. WWB đã tạo ra một mạng lưới tín dụng vi mô để giúp những phụ nữ thu nhập thấp. Ngân hàng này mời gọi sự cộng tác của các tổ chức địa phương như hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn và cả không gian để nuôi dưỡng một dự án.

Hoạt động xã hội hay kinh doanh?

Ngày nay, tín dụng vi mô đã có mặt ở nhiều nước, từ Pakistan đến Philippines. Các ngân hàng tín dụng vi mô này coi đối tượng chính của họ là phụ nữ. WWB giúp phụ nữ trong các hoạt động kinh doanh. Nó cũng cho phụ nữ cơ hội để tiết kiệm tiền bạc. “Tiết kiệm là một vấn đề lớn. Nếu tiết kiệm, người ta có thể gia tăng tính ổn định cho cuộc sống và vạch ra những chương trình” - Anton Simanowitz, nhà kinh tế xã hội của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS), nói.

Người nghèo thường để dành tiền tại nhà -như nhét ống heo chẳng hạn- nhưng cách này thường không bảo đảm. Việc cho mượn tiền để đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ có thể tạo ra một khoản thu nhập và tiết kiệm cho người vay. “Các ngân hàng truyền thống không để ý đến các khoản vay nhỏ, có thể vì cho rằng nó quá nhỏ để khiến một ngân hàng phải bận tâm” -bà Iskenderian giải thích. Còn Paul Barry Walsh, nhà sáng lập Quỹ Fredericks ở Anh, nói: “Không chỉ trong thế giới thứ 3 mới cần đến tín dụng vi mô, mà cả các nước phát triển cũng cần đến nó”. Quỹ Fredericks chuyên cung cấp các khoản vay cho những người bị ngân hàng từ chối. Những người này thường là các bậc cha hoặc mẹ một mình nuôi con, người khuyết tật hay người thất nghiệp.

Một trong những khía cạnh nổi bật của tín dụng vi mô là sự tín nhiệm của người đi vay. Tỷ lệ thu được nợ bình quân của các tổ chức tín dụng vi mô lên đến 95%. Việc này đã thu hút sự chú ý của nhiều “ông trùm” trong thị trường vốn, trong đó có ngân hàng đầu tư Morgan Stanley. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành tín dụng vi mô, nhưng đồng thời nó cũng làm nảy sinh những lo ngại rằng liệu việc dính dáng của các nhà đầu tư lớn có thể làm chệch hướng mục đích xã hội của tín dụng vi mô hay không, vì nhà đầu tư thường chú trọng tới mục đích kinh doanh hơn xã hội. “Tín dụng vi mô có thể trở thành một nạn nhân trước sự thành công của chính mình” - bà Iskenderian cảnh báo.

Văn Cường
(Theo BBC)

Tin cùng chuyên mục