Tín hiệu tích cực

Hội nghị lần thứ 20 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 20) về đích tại Lima (Peru) với nhiều tín hiệu tốt. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận về cắt giảm khí thải, tạo tiền đề cho nhiều nước khác cắt giảm theo.

Hội nghị lần thứ 20 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 20) về đích tại Lima (Peru) với nhiều tín hiệu tốt. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận về cắt giảm khí thải, tạo tiền đề cho nhiều nước khác cắt giảm theo.

Theo báo Guardian, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 9-12 đã thúc giục các nước hành động ngay trong việc giải quyết các tác động của con người gây ra biến đổi khí hậu. TTK LHQ khẳng định rằng đây không phải là lúc tìm cách trì hoãn cắt giảm khí thải-vấn đề đã trở nên cấp bách nhằm tạo ra một xã hội bền vững, thịnh vượng và lành mạnh. Ông cho rằng đầu tư giải quyết tác động của biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy lợi ích trong các mục tiêu phát triển lớn hơn. Ngược lại, các khoản đầu tư cho phát triển phải phù hợp với mục tiêu cắt giảm khí thải của thế giới. Nối tiếp TTK LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Sam Kutesa cảnh báo rằng, thế giới đã đạt tới “điểm giới hạn”. Vì vậy, nếu không có những nỗ lực phối hợp cấp bách, sẽ không thể có phát triển bền vững.

Cụ thể, thế giới đang nhắm đến mục tiêu không còn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Dự kiến, mục tiêu này sẽ được ký kết trong 12 tháng nữa, tức là COP 21 họp tại Paris năm 2015.

Nhiều đại biểu tham gia COP 20 cho rằng, cuộc cách mạng năng lượng tái tạo là không thể tránh khỏi nếu muốn không còn khí thải. Vì vậy, ủng hộ 100% năng lượng sạch đang là xu thế toàn cầu. Để làm được điều này, trước hết cần có tiền để đóng cửa nhiều nhà máy phát điện chạy bằng than đá hoặc xăng dầu, thay vào đó là xây dựng các nhà máy điện phong, năng lượng Mặt trời…

Australia đã thực hiện lời hứa của mình khi tuyên bố tại COP 20 rằng nước này sẽ đóng góp 200 triệu AUD (165 triệu USD) cho Quỹ thích ứng biến đổi khí hậu của LHQ. Australia cũng cho biết sẽ tiếp tục giúp đỡ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu thông qua chương trình viện trợ song phương. Theo LHQ, mặc dù Quỹ thích ứng biến đổi khí hậu  đạt 26 tỷ USD cam kết đóng góp trong năm 2012-2013, một báo cáo mới của Chương trình môi trường LHQ (UNEP) dự báo, con số này sẽ không đủ cho giai đoạn sau năm 2020. UNEP cho rằng, để lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu được cắt giảm đến mức cần thiết giữ cho nhiệt độ tăng dưới 2oC, các chi phí thích ứng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển có khả năng tăng cao gấp 2 - 3 lần so với ước tính trước đây, tức là từ 70 - 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 tới năm 2050.

Nếu cứ tiếp tục tình trạng xả khí thải như hiện nay, các nhà khoa học dự báo nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên thêm hơn 4oC vào cuối thế kỷ này đi kèm sẽ là các đợt nóng dữ dội, lũ lụt hoành hành dày đặc, sự tuyệt chủng của các loài... Ước tính mỗi năm, thế giới thải vào khí quyển hơn 55 tỷ tấn khí phát thải nhà kính. Con số này tiếp tục tăng lên khi các nền kinh tế mới nổi phát triển. Để nhiệt độ Trái đất giảm 2oC, cần phải giảm lượng khí thải này xuống ít nhất khoảng 45 tỷ tấn vào năm 2030 và thậm chí giảm xuống mức zero vào cuối thế kỷ này. Điều đó đòi hỏi một sự thay đổi hoàn toàn hệ thống năng lượng của thế giới.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục