

* Lịch ẩm thực 2008 - Món ngon đất Việt: Là bộ lịch do Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam phối hợp với Công ty Open Mind giới thiệu (NXB Trẻ). Hiện nay, ngoài tác dụng để coi ngày, các nhà làm lịch đã có sáng kiến dùng lịch như một phương tiện hữu hiệu để truyền bá và bảo tồn văn hóa Việt.
Ẩm thực cũng là một nét văn hóa mang tính đặc thù, đặc sắc của mỗi dân tộc. Việt Nam cũng có một kho tàng về văn hóa ẩm thực quý hiếm đáng được lưu giữ, khai thác và phát triển. Có thể nói, đây là lần đầu tiên có bộ lịch “2 trong 1” như vậy. Lịch vừa có ngày, tháng, năm như lịch truyền thống, nhưng trên từng trang lịch còn hướng dẫn cách làm một món ngon Việt Nam, cùng địa chỉ các quán ăn, nhà hàng tên tuổi ở thành phố. Đặc biệt, cuốn lịch như một cẩm nang nên được thiết kế chăm chút để có thể lưu giữ lâu dài. Bìa cứng, in offset, 370 trang ruột đều in bốn màu trên giấy couché, khi mở ra thì như cuốn lịch, lúc gấp lại giống như một cuốn sách trang trọng.
Bà Trần Thị Minh Chánh, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Du lịch Hồng Tin, khi xem mẫu lịch đã đặt mua một số gởi sang Pháp bán tại siêu thị Thanh Bình (Ivry Sursen - Paris): “Để bà con mình ở bên đó khi nhớ quê nhà có thể tìm trong sách lịch, tham khảo để nấu một món ăn quê hương cho người thân thưởng thức”.
TS Nguyễn Nhã, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, cho biết một trong những mục tiêu hàng đầu của viện là góp phần sưu tầm, bảo vệ và tôn vinh những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Ông hy vọng bộ lịch này góp phần hữu ích trong việc tìm thêm hướng đi mới cho lịch Việt Nam trong tương lai.

* Tập ghép vần đọc tiếng Việt (NXB Trẻ): Đây là quyển sách dành cho các trẻ học vỡ lòng với những hình ảnh minh họa sinh động cho các chữ cái do nhà giáo Đinh Công Tâm biên soạn. Cuốn sách giúp các bé dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ trong việc học vần theo chương trình cải cách của Bộ GD-ĐT. Cuốn sách đã được nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Một sáng kiến mới chăng?”. Cuốn sách được xem như là tài liệu tham khảo của một nhà giáo nhiệt tâm với mong muốn đóng góp vào sự phát triển giáo dục hiện nay.
H.T.