Chỉ là chỗ tạm nhưng không thầy cô giáo nào “dạy tạm”. Cô giáo dạy văn hồi đó cũng chỉ dạy học trong một thời gian ngắn, rất ngắn. Nếu trí nhớ của tôi chính xác thì cô chỉ dạy ở trường tôi 2 - 3 năm.
Tôi không gặp cô từ ngày cô rời trường học và chỉ gặp lại cô khi chúng tôi đón thầy hiệu trưởng của trường vào thăm TPHCM ngay trong dịp 20-11. Tôi và bạn bè học cô đều nhận ra cô ngay vì cô chẳng khác gì hồi còn đi dạy học: chăm chút cho học trò, cho đồng nghiệp với nụ cười tươi thường trực. Cô còn là mạnh thường quân của trường học mà cô phải rời đi chỉ ngay sau khi ra trường vài năm.
Là một người dạy học hơn 40 năm, có nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, trò chuyện với họ, tôi mới ngộ ra một điều, với nhiều, rất nhiều thầy cô giáo, đi dạy là nghiệp. Không là nghiệp sao được khi họ gặp đầy rẫy những khó khăn: đồng lương thấp, luôn bị mọi người săm soi, tưởng là nghề được xã hội tôn vinh, hóa ra chưa phải (hay không phải vậy). Cái nghề mà cả đời sáng tạo. Các nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng không phải đêm nào cũng diễn và họ thường diễn chung. Còn thầy cô, nhất là thầy cô tiểu học, phải lên lớp hàng ngày, một mình một sân khấu, mà dù kịch bản (nội dung dạy học là giống nhau) nhưng thầy cô phải “diễn” để không lặp đi lặp lại và phải sáng tạo. Vì sao vậy? Vì đòi hỏi của phụ huynh, của học sinh, của xã hội và... của chính người thầy. Vì nghiệp…
Vượt lên cam khó ngày thường, người giáo viên phải làm mọi thứ có thể để cho học trò mỗi ngày (lớn) hơn ngày hôm qua. Người thầy giáo hôm nay không thể là một người biết tuốt nhưng lại phải giúp học trò có thể biết nhiều hơn thầy, rồi còn phải là người dẫn dắt học trò tồn tại và phát triển trong tương lai. Chưa bao giờ, người thầy có trọng trách lớn như thế và họ vẫn phải gồng mình để đáp ứng yêu cầu của nghề.
Tôi vừa nhớ đến một thành viên trong Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Trên Facebook của mình, chị đã dẫn một thông tin từ bạn bè: dưới cách nhìn của người ngoại quốc, theo anh (và có thể là những người ngoại quốc như anh), “ngôn xưng thứ bậc” làm cho người Việt kém phát triển. Giáo dục cũng là một nghề, cao quý như nhiều ngành nghề khác, nhưng cả xã hội lại trọng vọng gọi thầy. Giả sử như cái thứ bậc kia là cái làm kìm hãm sự phát triển của dân tộc Việt, chúng tôi, những nhà giáo sẵn sàng thay đổi và đã thay đổi: nhà trường bây giờ thực sự dân chủ, quan hệ thầy - trò không còn là thứ tự trên dưới trong mọi hoạt động trong và ngoài nhà trường. Người thầy giờ đây chỉ giữ vị trí dẫn dắt để người học tự chiếm lĩnh kiến thức, thực hành kiến thức, có thái độ tôn trọng thầy cô, bạn bè, cộng đồng, với thiên nhiên… Giúp hình thành năng lực cho từng người học để họ có thể làm chủ được cuộc sống, việc làm… trong tương lai.
Không muốn làm một so sánh, nhưng theo một nghiên cứu gần đây, người làm giáo dục lao động nhiều gấp 1,3 - 1,7 lần so với thời gian quy định trong Luật Lao động. Thời gian lao động và cường độ lao động nhiều như vậy nhưng họ không được trả tiền làm thêm, khổ hơn là nhiều người làm nghề dạy học còn muốn làm thêm giờ để đủ sống, để có cuộc sống tốt hơn nhưng lại không được tự do làm thêm như các ngành nghề khác.
Người thầy cũng như mọi người, cũng có đầy đủ những đòi hỏi để tồn tại và cống hiến. Khát vọng và tin tưởng tạo ra một thế hệ tương lai hơn mình luôn ở trong mỗi người thầy. Đủ sống để được sáng tạo, để được tham gia hướng dẫn thế hệ trẻ bước vào tương lai, lao động và sống là điều mà người thầy hôm nay cần. Xã hội đang đặt kỳ vọng vào người thầy có thể làm thay đổi tương lai của đất nước thông qua làm thay đổi tương lai của thế hệ trẻ. Xã hội cần tin tưởng, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi cống hiến vì nền giáo dục nước nhà, chính là mong ước, là tâm tư của mỗi thầy cô hôm nay.