Tính hiện đại và dân tộc trong điện ảnh

Tại sao tính hiện đại và tính dân tộc lại giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh trong thời kỳ mới? Tính hiện đại mang nét đặc thù của điện ảnh - ngành nghệ thuật ra đời trong thời kỳ lịch sử hiện đại, kết hợp nhiều yếu tố của các ngành văn học nghệ thuật khác và chỉ tồn tại trong sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Điện ảnh cũng có ưu thế trong việc phổ biến tác phẩm nhanh trên phạm vi rộng và có khả năng giao lưu lớn giữa các quốc gia. Tính dân tộc có vị trí quan trọng trong việc giữ vững sự tồn tại của mỗi dân tộc, đồng thời tạo nên sự đa dạng văn hóa cho thế giới. Tính dân tộc đảm bảo cho một nền điện ảnh hội nhập tích cực với quốc tế mà không rơi vào nguy cơ “tự đánh mất mình” trong xu hướng toàn cầu hóa.
Tính hiện đại và dân tộc trong điện ảnh

Tại sao tính hiện đại và tính dân tộc lại giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh trong thời kỳ mới? Tính hiện đại mang nét đặc thù của điện ảnh - ngành nghệ thuật ra đời trong thời kỳ lịch sử hiện đại, kết hợp nhiều yếu tố của các ngành văn học nghệ thuật khác và chỉ tồn tại trong sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Điện ảnh cũng có ưu thế trong việc phổ biến tác phẩm nhanh trên phạm vi rộng và có khả năng giao lưu lớn giữa các quốc gia. Tính dân tộc có vị trí quan trọng trong việc giữ vững sự tồn tại của mỗi dân tộc, đồng thời tạo nên sự đa dạng văn hóa cho thế giới. Tính dân tộc đảm bảo cho một nền điện ảnh hội nhập tích cực với quốc tế mà không rơi vào nguy cơ “tự đánh mất mình” trong xu hướng toàn cầu hóa.

  • Tính hiện đại trong phim Việt Nam

Tính hiện đại trong nghệ thuật điện ảnh được quyết định bởi tư duy sáng tác đặc trưng của điện ảnh là tư duy hình ảnh, phản ánh tinh thần thời đại theo sự phát triển của lịch sử (xét trong nội dung tác phẩm), thể hiện qua hình tượng màn ảnh (xét trong ngôn ngữ thể hiện: hình ảnh, âm thanh...). Lối tư duy này mới mẻ đối với nhà sáng tác Việt Nam, vốn ít nhiều chịu ảnh hưởng của truyền thống văn học nghệ thuật “bằng lời” phát triển hơn “bằng hình”.

Tính hiện đại trong nội dung tác phẩm điện ảnh Việt Nam được xác định ở sự tiến bộ trong cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực của một dân tộc từng là ngọn cờ đầu đấu tranh giành độc lập. Tiếp theo là công cuộc xây dựng đất nước theo các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” cũng mang tính chất tiến bộ. Nhưng phải thấy rằng nhiều tác phẩm lớn của nhân loại là tác phẩm có tính dự báo hoặc có giá trị cảnh báo. Dự báo là sự nhìn thấu xu thế phát triển của xã hội, còn cảnh báo là sự nhìn nhận sâu thẳm vào trong lòng xã hội để vạch ra những vùng sáng và cả những khoảng tối trong nó.

Cảnh trong phim "Trăng nơi đáy giếng"

Cảnh trong phim "Trăng nơi đáy giếng"

Thói quen đặt ra quá nhiều ý tưởng lớn lao trong một tác phẩm khiến cho nhiều nhà làm phim VN không đủ sức khai thác sâu sắc một vấn đề nổi bật nào, không gây được ấn tượng mạnh và không thuyết phục được người xem. Điều này làm cho nhiều bộ phim nhạt nhẽo, vô vị, kém sức hấp dẫn và sức lay động, mặc dù nội dung tốt.

Nếu như phim Việt Nam đã ít nhiều mang tính hiện đại trong nội dung tác phẩm thì trong hình thức thể hiện, tính hiện đại chỉ thấp thoáng, rải rác ở một vài trường đoạn. Nguyên nhân của thực trạng này là sự hạn chế của nhà sáng tác trong việc sử dụng và phát huy thế mạnh của nghệ thuật điện ảnh trong hình ảnh và âm thanh. Trong rất nhiều bộ phim, hình ảnh không đạt được sức truyền cảm, không để lại ấn tượng cho người xem, không đủ sức gợi mở suy nghĩ.

Rất nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh của hình ảnh: ánh sáng, bố cục khuôn hình, góc độ, động tác và sự chuyển động của máy quay phim, nghệ thuật dàn cảnh... Xin lấy ví dụ về sử dụng ánh sáng: nhiều cảnh quay - nhất là các cảnh quay nội - được chiếu sáng bằng thứ ánh sáng đều đều, không có điểm nhấn, vì vậy không có những đóng góp xứng đáng để thể hiện nội dung.

Nguyên nhân khách quan là do phương tiện kỹ thuật của ta còn thô sơ, nghèo nàn. Nhưng nguyên nhân chủ quan mang tính chất quyết định lại ở chỗ nhà làm phim không ý thức đầy đủ về nguồn chiếu sáng trong mỗi cảnh quay (ví dụ: nếu cảnh quay diễn ra trong ánh sáng đèn dầu thì phải khác hẳn đèn điện...). Mà “điện ảnh là nghệ thuật vẽ bằng ánh sáng”.

Âm thanh so với hình ảnh lại càng thể hiện nhiều hạn chế. Cho đến bây giờ, hầu hết các nước trên thế giới làm phim đều theo phương pháp thu thanh đồng bộ, còn phim ta chủ yếu vẫn lồng tiếng và làm tiếng động giả trong khâu hậu kỳ.

  • Tính dân tộc trong phim Việt Nam

Điện ảnh với tính đặc thù loại hình là phản ánh hiện thực sống động, đến mức người xem có cảm giác như cùng được tham gia vào hành động phim. Khi nhà sáng tác phản ánh những quan hệ máu thịt làm nên cuộc sống và sức mạnh tâm hồn mình, những gì thân thuộc đối với tư tưởng, tình cảm, khát vọng của cộng đồng thì tác phẩm có sức thuyết phục cao. Bản thân sự phản ánh đó đã tiềm tàng tính dân tộc.

Tính dân tộc trong điện ảnh cần được xét trên hai mặt là tự phát (nhà làm phim phản ánh hiện thực cuộc sống của nhân dân theo suy nghĩ và tình cảm xuất phát từ “gen” dân tộc của mình) và tự giác (chủ động đưa tinh thần dân tộc vào phim nhằm tạo những giá trị cao về nội dung và nghệ thuật). 

Tính dân tộc trong nội dung tác phẩm điện ảnh VN thể hiện ở tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc, ở chủ nghĩa anh hùng bình dị (những điều phi thường luôn lấp lánh trong cuộc sống bình thường), ở tính nhân văn, ở sự gắn bó với tổ tiên, ở sự gắn bó giữa gia đình và xã hội...

Tính dân tộc trong hình thức thể hiện bộc lộ ở cả mặt tích cực lẫn mặt hạn chế. Cụ thể: phim thường được xây dựng từ một cốt truyện hoàn chỉnh (ảnh hưởng từ đặc điểm của văn học nghệ thuật truyền thống: “Có tích mới dịch nên trò”). Nhân vật cũng thường được xây dựng theo hai tuyến rõ ràng: chính diện và phản diện (theo kiểu chính và tà, trung và nịnh trên sân khấu truyền thống). Kết thúc có hậu. Sự kế thừa này góp phần tạo nên tính nhân văn cho tác phẩm nhưng cách thể hiện còn nghèo nàn, đơn giản hóa khiến nhiều phim không đủ sức khai thác cuộc sống ngày càng đa dạng của xã hội hiện đại.

Cách sống tế nhị, kín đáo của người Việt Nam thấm vào các nhà làm phim, giúp họ thành công trong cách “lấy mây tả trăng” để thể hiện gợi cảm những diễn biến tình cảm tế nhị của nhân vật. Sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên và lòng yêu chuộng thơ ca đã tạo nên chất thơ chan chứa hoặc chí ít cũng thấp thoáng nét trữ tình trong nhiều bộ phim. Nhưng ngược lại, có lẽ do ảnh hưởng của sân khấu truyền thống (chú trọng đến sự kiện, tuyến nhân vật, lời thoại chứ không đi sâu vào tâm lý nhân vật như kịch nói) mà việc khai thác tâm lý nhân vật kém.

Đa số các nhà sáng tác thường thích đi vào những vấn đề lớn lao mà bỏ qua hoặc không khai thác hết chi tiết, những điều tưởng như nhỏ bé nhưng có thể gây ấn tượng mạnh và sức thuyết phục cao. Một mặt, hạn chế này bắt nguồn từ tác động của nhiệm vụ mà điện ảnh được giao trong những năm chiến tranh. Mặt khác, nhà làm phim ít nhiều chịu ảnh hưởng của truyền thống “văn dĩ tải đạo”, coi trọng giá trị giáo huấn của tác phẩm hơn giá trị nghệ thuật.

Điện ảnh ở Việt Nam vốn là ngành nghệ thuật hoàn toàn “nhập ngoại”, đòi hỏi người sáng tác phải có tư duy hình ảnh hiện đại. Bởi vậy, cần tiếp thu thành tựu của các nền điện ảnh tiên tiến, cần có những sáng tạo, tìm tòi, cách tân ngôn ngữ thể hiện, để có thể khai thác sâu sắc những vấn đề quan thiết, gốc rễ của xã hội bằng màu sắc dân tộc Việt Nam tinh tế

TS NGÔ PHƯƠNG LAN

Tin cùng chuyên mục