Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, 14 người sống sót trong vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ được chuyển lên Bệnh viện An Sinh để tiếp tục điều trị. Nằm trên giường bệnh, mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng trước tai nạn trong đêm 2-8 đã làm mất đi các đồng nghiệp.
Bất lực nhìn đồng nghiệp bị sóng cuốn
Nghẹn ngào kể lại hành động đồng nghiệp nhường phao cho mình, chị Phạm Thị Thu (22 tuổi) nói: “Đáng lẽ, người phải chết là mình chứ không phải anh Hiệp. Lúc ấy, anh Trần Hữu Hiệp đang mặc áo phao trên người. Thấy tôi không có áo phao, đang cố gắng vượt qua cơn sóng và uống rất nhiều nước. Anh Hiệp liền cởi áo phao đưa cho tôi. Không có áo phao, anh Hiệp bám yếu ớt vào mạn thuyền, một số đồng nghiệp mặc áo phao liền đứng xung quanh cản lại cơn sóng để bảo vệ anh Hiệp. Nhưng một cơn sóng to ập đến đã cuốn anh Hiệp đi xa. Mọi người cố gắng tìm anh nhưng không thấy”.
“Anh Hà Tiến Sơn là người làm trụ để mọi người bám vào và tay còn lại nắm chặt em Nguyễn Thị Kiêm Hoàng. Do phải trụ cho mọi người hơn 2 giờ đồng hồ, anh bị mất sức. Một cơn sóng đánh ập vào cuốn anh Sơn và em Hoàng trôi đi. Mọi người thấy được em Hoàng liền kéo lại nhưng em bị ngất xỉu và được đưa lên phần mũi ca nô nhưng cơn sóng tiếp theo lại cuốn em Hoàng đi mất”, anh Nguyễn Văn Dũng, người từng bám vào anh Sơn, rưng rưng nước mắt kể lại.
Mọi người vừa khóc vừa kể, những cơn sóng đánh ập vào dồn dập khiến nhiều người không còn sức. Cứ thế, liên tiếp, hàng trăm cơn sóng đã vỗ vào, cuốn trôi đi 8 đồng nghiệp.
Tài công không biết đường?!
Mọi người đều thẩn thờ nhưng vẫn không thể giấu nỗi tức giận với tài công Phạm Duy Phúc. Nhiều người cho biết, vừa đi được 30 phút, Phúc liên tục gọi điện thoại cho ai đó để hỏi đường đi. Đi khoảng 10 phút, Phúc gọi điện hỏi đường và gặp tàu khác đang chạy cũng ghé vào hỏi đường đi. Có 65 người đi đám và được chia ra làm 3 tàu. Nhưng tài công Phúc đã điều khiển xuất phát sớm hơn 2 chuyến kia khoảng 30 phút mà còn không biết đường. Đáng giận hơn là tài công Phúc không biết số điện thoại cứu hộ.
Khi anh Cương giữ chiếc điện thoại duy nhất, mọi người liền đưa cho anh Phúc gọi điện thoại nhưng Phúc cho rằng không biết gọi số nào. Bởi vậy anh Cương chỉ gọi điện thoại cho đồng nghiệp trong công ty. Nằm lênh đênh trên biển gần 6 giờ đồng hồ mới có người cứu. Nếu biết số và gọi sớm thì không mất nhiều người như vậy.
Thượng tá Nguyễn Long Bào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa (Cần Giờ), cho biết: “Có khả năng, lái tàu đã cho ca nô đi vào vùng nước xoáy hoặc đi sai hải đồ nên gặp nạn”.
THANH HẢI
- Thông tin liên quan:
>> Vụ chìm ca nô thảm khốc ở Cần Giờ: Đã tìm được thi thể 7 nạn nhân mất tích