Tỉnh Thái Bình cần thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc

Ngày 26-5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã dẫn đoàn công tác, với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, đi tham quan mô hình chăn nuôi đại gia súc theo quy mô công nghiệp hiện đại khép kín ở tỉnh Hòa Bình. 
Tỉnh Thái Bình cần thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc

Trong đó, Thái Bình là một tỉnh thuần trồng lúa, nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, dẫn đầu đoàn công tác là ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình.  

Khu liên hợp chăn nuôi bò thịt ở TP Hòa Bình, khu vực nuôi giống bò Tây Á lấy thịt mà đoàn công tác đến tham quan

Nơi đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và tỉnh Thái Bình đến thăm là dự án khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trang trại sản xuất bò giống chất lượng cao 1 doanh nghiệp đang triển khai tại xã Yên Mông (TP Hòa Bình) có quy mô 1.200 con bò giống, 3.800 con trâu bò thịt.

Trước mắt, dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang nuôi 900 con bò thịt, 500 con bò Wagyu giống (loại bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới) và 500 bò lai sinh sản, hình thành chuỗi liên kết với 10.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết chăn nuôi bò sinh sản và bò nuôi lấy thịt. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình, tỉnh Hòa Bình thăm khu vực xử lý đệm lót sinh học của dự án này

Trong giai đoạn 1, doanh nghiệp đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi theo mô hình trang trại nông hộ với trang trại vùng lõi khép kín hiện đại của doanh nghiệp, có sự tham của chính quyền, hộ dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Sau khi đi thăm thực tế mô hình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng chăn nuôi đại gia súc là hướng đi mới có nhiều tín hiệu khả quan hiện nay

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chăn nuôi đại gia súc theo quy mô công nghiệp khép kín tại tỉnh Hòa Bình là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Cần tiếp tục hoàn thiện mô hình này để nhân rộng thời gian tới, tạo điều kiện liên kết với nông dân tận dụng hiệu quả các phụ phẩm trong nông nghiệp. Làm tốt điều này không những góp phần ngăn chặn dịch tả heo châu Phi mà còn tạo sinh kế cho các hộ chăn nuôi đã và đang chịu thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi chuyển hướng sang đối tượng mới là gia súc ăn cỏ, giải quyết bài toán khan hiếm thực phẩm cuối năm nay. 

Đoàn công tác đi thăm khu vực nuôi trâu lấy thịt của dự án ở Hòa Bình

Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh Thái Bình cần học tập mô hình của tỉnh Hòa Bình vì có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng của sông Hồng.  

“Tôi tin tưởng với quyết tâm của tỉnh Thái Bình, sự vào cuộc của Bộ NN-PTNT, chúng ta sẽ xây dựng được những mô hình từ mô hình này, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc, trước mắt là thích ứng với dịch tả heo châu Phi nhưng về lâu dài, đây là một hướng chủ đạo trong thay đổi cục diện chiến lược ngành chăn nuôi của Việt Nam”- ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ NN-PTNT, chăn nuôi đại gia súc là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới.

Tin cùng chuyên mục