Tinh thần văn hóa Sơn Nam

Hồn cốt tạo nên nền tảng và giá trị khác biệt của Sài Gòn - TPHCM vẫn nằm trong tâm thức, tính cách con người và từng di tích, kỷ vật, trang sách. Để lưu giữ được hồn cốt ấy, mỗi người Sài Gòn cần có một tinh thần văn hóa Sơn Nam…
Tinh thần văn hóa Sơn Nam

Hồn cốt tạo nên nền tảng và giá trị khác biệt của Sài Gòn - TPHCM vẫn nằm trong tâm thức, tính cách con người và từng di tích, kỷ vật, trang sách. Để lưu giữ được hồn cốt ấy, mỗi người Sài Gòn cần có một tinh thần văn hóa Sơn Nam…

Tôi hay gọi nhà văn Sơn Nam bằng “bố” hoặc “bố già” nửa vui nửa tôn kính. Một lần, nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM, ông muốn tôi chở lên thăm Phú Thọ Hòa, nơi tôi đang ở, một vùng ngoại ô quận Tân Bình, nay tách ra thuộc quận Tân Phú. Nhà văn suốt đời chỉ biết đi bộ này khi ngồi sau xe thì không bao giờ ngớt chuyện. Chở ông đi, đường dù xa mấy cũng ngắn lại. Ông nói chậm rãi mà có duyên và sâu sắc, thỉnh thoảng còn pha trò. Mặc dù tôi là người rất mê lịch sử nhưng khi nghe những gì ông kể về vùng đất tôi đang ở thì tôi mù tịt và giật mình về sự thiếu hiểu biết của mình, lại càng khâm phục cái trí nhớ hiếm có của bậc trưởng lão làng cầm bút.

Nhà văn Sơn Nam luôn hướng về cội nguồn.

Đến địa đạo Phú Thọ Hòa, nhà văn Sơn Nam săm soi rất kỹ. Đây là địa đạo đầu tiên của Sài Gòn và Nam bộ, được đào từ năm 1947 thời chống Pháp, xung quanh là một vùng cây cối rậm rạp có địa thế hiểm yếu về quân sự. Ông hỏi tôi biết ai là những người đầu tiên có sáng kiến đào địa đạo dài 700m này không? Chuyện này thì tôi rõ. Đó là Trung tướng Lê Thanh, Đại tá Lâm Quốc Đăng và ông Nguyễn Văn Tiểng lúc ấy giữ chức Bí thư Chi bộ xã Phú Thọ Hòa. Nhà văn Sơn Nam lại hỏi, biết ai là người quan tâm, đề nghị phục hồi địa đạo để được công nhận Di tích Lịch sử quốc gia. Chuyện này tôi chịu. Bậc tiền bối cười bảo: “Ông Nguyễn Văn Linh đó!”.

Từ địa đạo Phú Thọ Hòa, nhà văn Sơn Nam bảo tôi cùng ông sang viếng mộ cổ của người giàu hàng đầu Sài Gòn là bá hộ Xường nằm đối diện phía bên kia đường. Dân gian đất phương Nam đầu thế kỷ XX có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Sỹ tức Huyện Sỹ, tên thật Lê Phát Đạt, ông ngoại hoàng hậu Nam Phương. Phương là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một tay sai khét tiếng của thực dân Pháp. Hỏa là chú Hỏa, tên thật Hứa Bổn Hòa, đại gia bất động sản số 1 Sài Gòn gắn liền giai thoại “Con ma nhà họ Hứa”. Còn Xường chính là bá hộ Xường, tên thật Lý Tường Quán, đại điền chủ và thương gia gốc Hoa, giàu lên nhờ kinh doanh thịt cá xuất khẩu và xây nhà cho thuê ở Chợ Lớn, nhưng sau khi ông qua đời thì tài sản kếch xù đã bị con cháu tiêu pha hết sạch. Nhà văn Sơn Nam bảo với tôi rằng, sống ở đời đừng nghĩ làm giàu sẽ để gia sản lại cho con cháu, bài học của bá hộ Xường đáng cho ta soi vào. May mà còn khu mộ cổ được xây cất chắc chắn này nên người ta mới nhớ đến bá hộ Xường. Dù không hoành tráng nhưng đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ thuộc loại quý hiếm còn sót lại của Sài Gòn.

Giống như khi tôi “tháp tùng” ông lên Đền Hùng đất Tổ, đến đâu nhà văn Sơn Nam cũng săm soi rất kỹ từng hòn đá, cục gạch, cái cây, hoa văn. Nhìn gương mặt ông tươi tỉnh, thỉnh thoảng giương mục kỉnh nhìn cái gì đó, tôi biết ông mãn nguyện. Tôi tiếp tục chở “bố già” ra một quán cà phê quen thuộc với tôi trên đường Địa Đạo. Ông mải nhìn quanh, bảo vùng này vẫn còn vẻ đẹp tương đối hoang sơ, nhưng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh thì chừng hơn mười năm nữa sợ nhiều thứ sẽ mất đi. Mới uống vài miếng nước chanh, bố Sơn Nam chợt đứng phắt dậy đi đi lại lại, ngắm ngắm nghía nghía con đường Địa Đạo phủ xanh bóng mát cây bàng hai bên. Cuối đông đầu xuân, bàng lưa thưa lá đỏ. Dù bề ngang chỉ 12m và dài chưa tới 2km nhưng bấy giờ Địa Đạo là con đường huyết mạch và được rải nhựa hiếm hoi của vùng này.

Ngắm nghía thỏa thích, trở vào quán bố Sơn Nam hỏi tôi rằng có biết đường Địa Đạo ngày xưa là cái gì không. Tôi cười lắc đầu nhìn ông. Ông ngồi xuống với dáng vẻ trịnh trọng: “Hoa Phong cổ lũy thời nhà Nguyễn đó”. Rồi ông rút từ trong giỏ ra cuốn sách Ấn tượng 300 năm do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành, lấy bút hí hoáy ghi: Cháu Phan Hoàng nên đọc quyển sách này vì đây là tâm huyết của người hơn 70 tuổi. Tác phẩm ông viết được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM (1698 - 1998).

Di tích địa đạo Phú Thọ Hòa nằm trên Hoa Phong cổ lũy ngày xưa.

Nhận món quà bất ngờ và dòng chữ chân tình của bố già, tôi hết sức xúc động, ngay đêm đó về nhà tôi đọc một mạch hết cuốn sách. Dù chỉ hơn một trăm trang nhưng Ấn tượng 300 năm của nhà văn Sơn Nam cung cấp một lượng kiến thức cô đọng và sâu rộng về quá trình hình thành Sài Gòn và Nam bộ, đặc biệt trong đó có những bí ẩn về Hoa Phong cổ lũy hiếm người biết. Theo khảo cứu của ông, trước khi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh mở cuộc hành quân bình định vùng biên giới Tây Nam năm 1700, đã cho thuộc tướng là lão Cầm đốc suất quân lính xây lũy Hoa Phong ở Sài Gòn. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức ca ngợi lũy Hoa Phong là một trong 20 thắng cảnh của đất Gia Định:

Lâm ngoại Hoa Phong thủy ngoại thôn,
Tướng quân tiền khứ, thủy do tồn…

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan đã dịch thoát thành 4 câu lục bát:

Ngoài rừng có lũy Hoa Phong
Có dòng nước nhỏ lượn quanh xóm làng
Tướng quân xưa đã không còn
Mà nền đất cũ chưa mòn chiến công


Tướng quân xưa chính là Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bậc tiền hiền có công lớn trong việc tạo lập vùng đất Sài Gòn - Nam bộ.

Quan sát tinh tế, tỉ mỉ và suy luận có cơ sở khoa học, đó là phong cách của nhà văn Sơn Nam. Không chỉ riêng di tích Hoa Phong cổ lũy mà toàn bộ những khảo cứu về lịch sử, văn hóa của ông về Sài Gòn và Nam bộ đều như vậy!

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, ngày nay Sài Gòn khác nhiều so với lúc kỷ niệm 300 năm mà tôi chở nhà văn Sơn Nam lên thăm vùng Phú Thọ Hòa, tất nhiên càng khác rất xa thời Nguyễn Hữu Cảnh ra lệnh cho lão Cầm xây đắp Hoa Phong cổ lũy. Vùng ngoại ô xưa đã mọc lên san sát nhà cao tầng. Người đông, phố chật, nhiều con đường mới đã mở ra. Dấu tích cổ lũy, cổ mộ, địa đạo bị che lấp và xuống cấp…

Dù phong cảnh đổi khác nhưng hồn cốt Sài Gòn không bao giờ khác. Hồn cốt tạo nên nền tảng và giá trị khác biệt của Sài Gòn - TPHCM vẫn nằm trong tâm thức, tính cách con người và từng di tích, kỷ vật, trang sách mà thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm bảo tồn, phát huy. Để lưu giữ được hồn cốt tinh hoa ấy, tôi nghĩ mỗi người Sài Gòn cần có trong mình một ý thức Sơn Nam, một trách nhiệm Sơn Nam và trên hết là một tinh thần văn hóa Sơn Nam.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục