Tinh thần Việt Nam

“Đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng Việt Nam ở đây là những anh hùng thật sự. Con không biết dùng từ nào để diễn tả sự anh hùng của họ. Với cái nóng của khí hậu miền Nam hiện giờ, việc trùm kín bộ đồ y tế như một thử thách. Con thấy mồ hôi đổ kín mặt, lưng áo bác sĩ và các nhân viên điều dưỡng. Khi bác sĩ cứu con hôm nay, đó không đơn giản là cứu một bệnh nhân thôi, mà đó là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần Việt Nam trong đại dịch”… Đó là những dòng nhật ký của bệnh nhân thứ 142 sau khi được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện (BV) Điều trị Covid-19 Cần Giờ.
Các bác sĩ Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Xung phong ra tuyến đầu chống dịch 

Là một trong những địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước, kết thúc giai đoạn 2 TPHCM ghi nhận 54 trường hợp mắc Covid-19 và đã điều trị thành công cho 53 người (trong đó, có 2 trường hợp vừa bị tái dương tính). Thành quả này là nỗ lực của tập thể y bác sĩ tại các BV chuyên dụng điều trị Covid-19; trong đó, không thể không nhắc đến tinh thần tình nguyện của y bác sĩ các BV tuyến quận huyện đã xung trận “chi viện” cho tuyến đầu.  

Khi dịch Covid-19 tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung bắt đầu bước vào giai đoạn phức tạp với số ca mắc mới không ngừng tăng lên, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Cẩm Vân, BV Huyện Củ Chi, đã viết đơn tình nguyện tham gia “đội đặc nhiệm” điều trị Covid-19 tại BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi để làm nhiệm vụ. Dù biết sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với nữ bác sĩ trẻ này, đây là lúc cần đến tinh thần xung kích, tình nguyện của những người thầy thuốc. Ngoài bác sĩ Vân, hơn 30 y bác sĩ khác của BV Huyện Củ Chi cũng tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. 

"Một điều rất đáng được ghi nhận và trân trọng, đó là không có một đòi hỏi nào và cũng không có một lời than khó nào, mặc dù không ít bác sĩ, điều dưỡng đã có dấu hiệu mệt mỏi và kiệt sức và cũng đã có người âm thầm nhập viện để được chăm sóc sức khỏe" - PGS-TS Tăng Chí Thượng

Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV Huyện Củ Chi, cho biết BV được Sở Y tế TPHCM giao nhiệm vụ là một trong 2 đơn vị nòng cốt phụ trách công tác chuyên môn tại BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. Đến nay đơn vị này đã cử một bác sĩ phó giám đốc phụ trách, 10 bác sĩ chuyên môn, 2 bác sĩ siêu âm, 15 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên X-quang, 2 kỹ thuật viên xét nghiệm cùng 10 nhân sự phục vụ công tác kỹ thuật hậu cần “chi viện” cho BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi.

“Chúng tôi xác định mình sẽ là lực lượng nòng cốt, cho nên, thay vì luân phiên, chúng tôi đã cử một đội ngũ cố định và lực lượng này sẽ kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn y bác sĩ của các BV khác khi nhận nhiệm vụ luân phiên tại BV dã chiến”, bác sĩ Trường Giang thông tin.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong thời gian qua, hàng trăm nhân viên y tế từ các BV tuyến thành phố, BV tuyến quận huyện và trung tâm y tế đã sẵn sàng luân phiên đến công tác tại các BV dã chiến, các khu cách ly tập trung để hỗ trợ cho tuyến trên, cho dù biết luôn có nhiều nguy cơ rình rập sức khỏe của chính mình. Theo đó, tại BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, ngoài chủ lực là nhân sự từ BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, lần lượt các BV đã cử bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến công tác tại đây, như BV Quận Bình Thạnh, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, BV Quận 12, BV Nhân dân Gia Định… Còn tại BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ, có sự tham gia của BV Quận Thủ Đức, BV Quận 2, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. 

Bao giờ hết dịch, con sẽ về

Chỉ 2 tuần sau ngày cưới, điều dưỡng Phạm Thị Hoàng Yến nhận thông báo cần người đi làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Không ngần ngại, Yến đăng ký và đúng một ngày sau, Yến lên đường nhận nhiệm vụ. “Đồng nghiệp xung quanh em nhiều người đã tình nguyện đi làm việc trong các khu cách ly, số còn lại thì người có con nhỏ, người đang mang thai, nên em đăng ký đi. Chồng em ban đầu giận lắm nhưng sau này anh hiểu và ủng hộ vợ”, Hoàng Yến kể. Tại BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Hoàng Yến được phân công làm trưởng nhóm điều dưỡng, vừa phụ trách phân công công việc, vừa cùng bác sĩ chăm sóc bệnh nhân và thực hiện các loại giấy tờ, sổ sách khác. Công việc vất vả nhưng cuối ngày cô lại được chồng gọi điện an ủi, động viên, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. 

Còn bác sĩ Lê Thanh Trúc, Liên khoa Nội - Nhi BV Huyện Củ Chi, lại nhắn nhủ với người mẹ 80 tuổi của mình rằng: “bao giờ hết dịch, con sẽ về” trước khi lên đường tình nguyện tham gia BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. “Vốn gia đình có truyền thống cách mạng, lại hoạt động Đoàn Thanh niên lâu năm nên trong mình có sẵn “máu” xông pha trận mạc. Nghe tin cần người đi BV dã chiến là mình đăng ký đi ngay”, bác sĩ Lê Thanh Trúc chia sẻ. Dẫu biết nhiều khó khăn, nguy hiểm khi trực tiếp “xông vào trận địa” nhưng bác sĩ Trúc vẫn luôn tự tin, bởi mình là nhân viên y tế, có thể tự bảo vệ cho bản thân. Thế nhưng mẹ của chị lại khá lo lắng trước quyết định của con gái.

Bác sĩ Lê Thanh Trúc kể: “Mình là con một nên ban đầu má không muốn mình đi vào đó vì sợ vô tình lây nhiễm bệnh, nhưng sau khi thuyết phục má rằng có dịch thì con phải đi thôi, con là bác sĩ mà. Thế rồi má cũng đồng ý”. 

Với sự huy động tổng lực về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, trong giai đoạn 2 của dịch Covid-19, BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi đã tiếp nhận cách ly kiểm dịch, cách ly điều trị 560 trường hợp, trong đó có 34 ca xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Còn tại BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ cũng đã tiếp nhận điều trị 141 trường hợp, trong đó có 16 ca xác định mắc Covid-19. Khi tất cả bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và được trở về nhà, hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn tiếp tục “cắm chốt” ở tuyến đầu, trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân bất kể lúc nào. Mới đây, 2 trường hợp tái dương tính virus SARS-CoV-2 đã nhập viện điều trị tại BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi.

Tin vào ngày kết thúc dịch không còn xa, trong những cuộc gọi hàng ngày với người mẹ của mình, bác sĩ Lê Thanh Trúc luôn nhắn nhủ: “Bao giờ hết dịch, con sẽ về”. Tin rằng, họ - những chiến sĩ nơi tuyến đầu - sẽ trở về trong khúc khải hoàn ca của đất nước!

Tin cùng chuyên mục