Chi cục Thú y TPHCM vừa báo cáo kết quả công tác chống giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn TPHCM. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2016, Chi cục Thú y đã phối hợp với ban ngành địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý 97 trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Trong đó, có 10 trường hợp giết mổ gia cầm trái phép và 87 trường hợp giết mổ gia súc, tập trung tại địa bàn Gò Vấp (46 trường hợp); còn lại là ở các địa bàn của Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chámh, Củ Chi, Thủ Đức, quận 12, quận 9, Nhà Bè, quận 2 và Cần Giờ.
Trong 87 trường hợp giết mổ gia súc trái phép có 6 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm (tại Gò Vấp 5 trường hợp và Thủ Đức 1 trường hợp) và 3 trường hợp đưa heo mắc bệnh lở mồm long móng về giết mổ. Trạm thú y địa phương đã tham mưu để tiêu hủy số heo nêu trên.
Theo nhận định của Chi cục Thú y, mặc dù UBND TPHCM và các sở, ngành chức năng đã chỉ đạo kiên quyết trong công tác chống giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, nhưng số quận, huyện vi phạm vẫn khá nhiều, tập trung chủ yếu ở quận Gò Vấp. Số trường hợp xử lý có tăng so với cùng kỳ nhưng thực trạng hoạt động giết mổ trái phép tại nhiều địa bàn chưa có chuyển biến tích cực. Riêng tại quận Gò Vấp hiện vẫn còn tồn tại 34 điểm giết mổ trái phép hoạt động thường xuyên với quy mô giết mổ bình quân hàng ngày khá lớn, khoảng 200-300 con heo/ngày. Các đối tượng này mua heo có giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai đăng ký đưa về các cơ sở giết mổ tại Long An nhưng vận chuyển heo về các điểm giết mổ tại Gò Vấp để cung cấp cho các chợ tự phát trên địa bàn.
Thực tế cũng cho thấy, hoạt động giết mổ trái phép diễn ra gần như công khai; chính quyền, các đoàn thể địa phương có thể giám sát, nắm thông tin. Tuy nhiên, một số địa phương còn buông lỏng hoặc chưa quan tâm đến công tác chống giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, xử lý chưa kiên quyết nên dẫn đến tình trạng đối tượng liên tục tái phạm. Các điểm giết mổ trái phép tồn tại trong nhiều năm liền, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng.
Các đối tượng luôn tìm cách đối phó với đoàn kiểm tra, vi phạm nhiều lần nhưng địa phương chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Điển hình, tại quận Gò Vấp có gia đình ông Nguyễn Sơn Lâm, Nguyễn Sơn Cao và Nguyễn Thị Lục, từ tháng 5-2016 đến nay đã 9 lần vi phạm giết mổ gia súc trái phép. Trường hợp ông Nguyễn Văn Cường vi phạm 4 lần tại địa chỉ nhà không số, đường Lê Đức Thọ, phường 14, quận Gò Vấp, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý kiên quyết. Trong quá trình thi hành công vụ, nhiều trường hợp tẩu tán tang vật vi phạm, hoặc chống đối, hăm dọa người thi hành, dẫn đến tâm lý ngán ngại xử lý. Cũng có trường hợp sau khi kiểm dịch lại lô hàng đạt yêu cầu phải cho giết mổ nhưng chưa ban hành quyết định xử phạt, sau đó đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt nhưng cũng chưa có biện pháp cưỡng chế thực hiện…
Theo Chi cục Thú y, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giết mổ trái phép gia tăng là hiện nay không còn quy định cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nội tỉnh, nên các đối tượng đã lợi dụng quy định này tự do vận chuyển gia súc, gia cầm trong địa bàn TPHCM về giết mổ cũng như tiêu thụ sản phẩm động vật được giết mổ trái phép chưa qua kiểm tra của các cơ quan thú y. Mặt khác, chợ tự phát, chợ lòng lề đường trở thành nơi tiêu thụ chủ yếu cho các lò mổ này nhưng chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.
Thịt heo giết mổ tại Công ty Vissan, được kiểm tra thú y rất nghiêm ngặt. Ảnh: THÁI NGUYỆT
Bên cạnh đó, còn có một số khó khăn khác như đa số các trường hợp giết mổ trái phép khi phát hiện lô hàng có giấy phép chứng nhận kiểm dịch từ các tỉnh nhưng sai nơi đến, việc lưu giữ lô hàng chờ kiểm dịch lại phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng. Chi cục Thú y cũng lúng túng trong việc xử lý do Thông tư 07 chỉ cho phép tiêu hủy gia súc có triệu chứng bị bệnh, không tiêu hủy ngay gia súc đã tiếp xúc với con bệnh, dẫn đến không thể xử lý triệt để lô hàng dễ phát tán mầm bệnh…
Theo kiến nghị của Chi cục Thú y, UBND TPHCM cần có biện pháp chỉ đạo UBND các quận, huyện thực hiện quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm các trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, không để phát sinh các điểm mới. Có thể kiểm điểm, khiển trách chủ tịch UBND phường, xã, cảnh sát khu vực còn để tồn tại các điểm giết mổ trái phép. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, công bố các địa chỉ đã bị xử lý vi phạm để người dân cùng tham gia giám sát. Có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với các hành vi vi phạm nhiều lần, các trường hợp vắng nhà hoặc đóng cửa đối phó với đoàn kiểm tra. Tăng tần suất kiểm tra của đoàn liên ngành quận, huyện. Quản lý chặt chẽ đối với các chợ trên địa bàn, có kế hoạch giải tỏa các chợ tự phát, chợ lòng lề đường để giảm thiểu tình trạng tiêu thụ sản phẩm động vật giết mổ trái phép. Có biện pháp xử lý thích đáng các đối tượng có hành vi khiêu khích, hăm dọa, các trường hợp chống đối người thi hành công vụ, tẩu tán tang vật trong quá trình kiểm tra nhằm thực hiện công tác chống giết mổ trái phép đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
HẠ ANH