Tinh tuyển văn học Việt Nam

L.V.S
Tinh tuyển văn học Việt Nam

Văn học Việt Nam như một tấm gương, ở đó con người Việt Nam hiện lên với những vẻ đẹp về tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh; với những trạng thái buồn vui, khổ đau, hạnh phúc... Qua các tác phẩm văn học, người ta còn thấy được trình độ tư duy, thẩm mỹ, tài hoa nghệ thuật ngôn từ… của một dân tộc. Văn học Việt Nam là di sản quý báu của nhân dân Việt Nam được lưu truyền từ thượng cổ đến nay.

Tinh tuyển văn học Việt Nam ảnh 1

Đó là tài sản hết sức phong phú, từ những sáng tác dân gian truyền khẩu đến những công trình mang tính bác học được xuất bản không chỉ bằng ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm và chữ Quốc ngữ) mà còn cả bằng văn tự một thời được coi như chuyển ngữ chung cho cả vùng Đông Á (chữ Hán).

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa ấy, các nhà nghiên cứu của nhiều thế hệ luôn coi trọng công việc sưu tầm, tuyển chọn các tác phẩm văn học với khát vọng không chỉ gìn giữ di sản ông cha để lại, mà qua các công trình sưu tập của mình giới thiệu gương mặt Việt Nam.

Từ thập niên 60, ở Việt Nam đã có bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (NXB Văn hóa -1963 và của NXB Văn học 1980-1987), bộ Tổng tập Văn học Việt Nam (NXB Khoa học xã hội-1993) đã phần nào phác họa được diện mạo văn học Việt Nam qua hơn một ngàn năm.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam trong và ngoài nước một cái nhìn tương đối toàn diện, có hệ thống về nền văn học Việt Nam trong quá trình phát triển từ khởi thủy đến nay, thông qua những gì tinh hoa nhất của nó trên các chặng đường lịch sử, NXB Khoa học xã hội tiếp tục giới thiệu bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam do nhà thơ Nông Quốc Chấn chủ biên (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia) với sự tham gia biên soạn của một số nhà văn, nhà giáo có uy tín.

Với tinh thần trân trọng khai thác và phát huy thành tựu của những người đi trước, bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam là sự tiếp bước có nâng cao của những công trình đi trước, tiện dụng hơn và kiến thức cập nhật hơn. Bộ sách tuyển chọn những gì tinh túy nhất, tiêu biểu cho từng tác gia, từng thể tài, thể loại… hoặc đại diện cho mỗi xu hướng, mỗi trào lưu, mỗi giai đoạn phát triển văn học.

Bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam lấy chữ Quốc ngữ làm văn tự ghi chép các văn bản dù nguyên gốc chữ Hán hay chữ Nôm. Tất cả đều được phiên âm bằng chữ Quốc ngữ, kèm theo các bản dịch ra tiếng Việt. Bộ sách được biên soạn thành 8 tập gồm 10 quyển: Tập 1:Văn học dân gian;Tập 2: Văn học các dân tộc thiểu số, Tập 3: Văn học thế kỷ X-XIV ; Tập 4: Văn học thế kỷ XV-XVII ; Tập 5: Văn học thế kỷ XVIII; Tập 6: Văn học thế kỷ XIX; Tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945 Tập 8: Văn học giai đoạn 1945-2000 ª H.T

Sách chen chợ Tết
“Quẹo lựa, quẹo lựa, chỉ còn tối nay, mua lẹ để có sách đọc Tết, quẹo lựa”. Câu chào hàng của anh Tám Tông vang lanh lảnh trong khu chợ Tết. Trước mặt anh là núi sách hai tầng giảm giá từ 20%-50%.

Đây là lần đầu tiên sách mới “bán xôn” xuất hiện tại chợ Tết ngoài trời, chen chân cùng áo quần, hoa trái. Sách cũng trở thành một mặt hàng để cho khách sắm Tết cũng như bánh mứt. Cô giáo Tâm, chọn mua được cuốn Đắc nhân tâm giá 22.000 đồng, 101 chuyện xưa của Tô Hoài giá 60.000 đồng… Cũng lạ là những gian hàng sách Tết này cũng rất đông khách hàng thiếu nhi chọn truyện tranh.

Tôi mua rẻ được mấy cuốn Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu Liệt Quốc và Đèn không hắt bóng và nghe anh Tám Tông kể chuyện “Cháu đã bán chợ này 10 đêm rồi, đêm mai chuyển sang chợ khác. Mỗi đêm cũng bán được 100 cuốn đủ loại. Đây toàn là sách mới ở một số nhà sách tồn kho. Cháu lấy tranh thủ bán mùa Tết”.

L.V.S
 

Tin cùng chuyên mục