Tình yêu Hà Nội

Tình yêu Hà Nội

Lễ trao giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2010 lần thứ 3 vừa diễn ra ở Hà Nội. Một lần nữa, báo chí lại nhắc đến nhiều cụm từ “tình yêu Hà Nội”. Và không phải ngẫu nhiên, vấn đề này đã trở thành đề tài của bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật từ xưa đến nay. Vậy thế nào là “tình yêu Hà Nội”?

Như tình yêu đôi lứa

Năm nay nhà văn lão thành Tô Hoài được giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Nhà văn Tô Hoài nay đã 90 tuổi và sự hiện diện của ông trong văn đàn Việt Nam có một vị trí rất trang trọng. Nhiều người gọi ông là “ông già Hà Nội”, xem ông như một biểu tượng của trí thức thủ đô, chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất thủ đô, là “từ điển sống” về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội. Với sức làm việc phi thường, nhà văn đã có gần 150 tác phẩm lớn nhỏ, viết bao quát nhiều thể loại, viết cho đối tượng người lớn và cả thiếu nhi, ngòi bút lúc nào cũng giữ được nét độc đáo, sắc sảo, dí dỏm, trẻ trung, đồng thời luôn tuôn chảy, dồi dào và sung sức. Những trang văn Tô Hoài về Hà Nội vô cùng đậm đà và giàu chi tiết, hóm hỉnh và có phong thái riêng; ở đó bóng dáng, hồn cốt của một Hà Nội qua mấy thời đại hiện ra hết sức rõ nét, có cá tính, đầy những âm thanh và màu sắc đặc trưng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (phải) trao giải thưởng cho nhà văn Tô Hoài. Ảnh: T.B.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (phải) trao giải thưởng cho nhà văn Tô Hoài. Ảnh: T.B.

Với nhiều gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cuộc đời và trong tâm hồn, có thể coi Tô Hoài cũng là dạng nghệ sĩ độc đáo và tài hoa như họa sĩ Bùi Xuân Phái, chỉ khác, ông đã “vẽ” nên một Hà Nội phố bằng các trang viết, chứ không phải bằng các tác phẩm hội họa. Năm nay, dù sức khỏe giảm sút, nhưng nhà văn vẫn viết các bài báo đậm chất thời sự - xã hội, đồng thời có kế hoạch in lại các tác phẩm kể chuyện về Thăng Long xưa như Nhà Chử, Miếu Đồng Cổ, Mai An Tiêm... và viết lại các chuyện cổ tích hay của Việt Nam cho thiếu nhi, theo cách kể Tô Hoài.

Năm 2009, người được giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” là nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc. Ông là người duy nhất đến nay được gọi là “Nhà Hà Nội học”. Vốn người gốc Hưng Yên, nhưng giờ đây, cũng như nhà văn Tô Hoài, ông cũng được gọi là “ông già Hà Nội”. Nói về tình yêu Hà Nội của mình, ông Phúc tâm sự rằng, khó mà định nghĩa được chuyện đó. Nó như tình yêu trai gái, đến lúc nào không hay, thương lúc nào không rõ. “Tôi yêu một Hà Nội sang trọng, tài hoa, thanh lịch lẫn một Hà Nội lầm than, lầm lũi, còn nhiều cơ cực. Thật khó cắt nghĩa được vì sao như thế, nhưng tôi cho rằng, muốn yêu hay muốn nghiên cứu về Hà Nội trước hết bạn phải có một tấm lòng với Hà Nội”... Có bao nhiêu người suy ngẫm, nhìn nhận mọi chuyện như ông Phúc? Chắc phải có một “tấm lòng với Hà Nội” mới trả lời được điều đó. Một tấm lòng ngày đêm đau đáu, trăn trở với những thăng trầm theo thời gian và những biến động lịch sử của vùng đất Kẻ Chợ  - kinh kỳ ngàn năm văn hiến này...

Nơi cả nước hướng về

Nói về tình yêu Hà Nội, GS Vũ Khiêu cho rằng, nhân dân cả nước bao giờ cũng xem Hà Nội là quê hương tiêu biểu của cả đất nước Việt Nam. Vì thế, dù ai ở đâu cũng hướng về thủ đô Hà Nội với tất cả tình yêu, lòng tự hào dân tộc. Bản thân ông cũng vậy, Hà Nội không phải nơi ông sinh ra, cũng không phải quê cha đất tổ; nhưng ông xem Hà Nội như một phần máu thịt của mình; gắn bó sâu sắc suốt bao năm, từ ngày còn nhỏ, từ thuở khó khăn, gian khổ; vì thế “ở góc độ nào đó, tôi cũng xem Hà Nội là quê hương của mình, các công trình lớn của tôi cũng chủ yếu viết về Hà Nội...” – GS Vũ Khiêu tâm sự.

Một trường hợp khác, PGS.TS Hà Đình Đức, người được mệnh danh “giáo sư rùa” bởi những công trình, nghiên cứu, đóng góp của ông đối với việc bảo tồn rùa Hồ Gươm nói riêng và cả Hà Nội nói chung. Ông người Thanh Hóa, chuyên ngành nghiên cứu sinh học. PGS.TS Hà Đình Đức tâm sự rằng: “Cứ như trời cho vậy. Rồi được mọi người yêu mến, ủng hộ. Mình làm tất cả vì Hà Nội, vì cái thiêng liêng của Hồ Gươm. Có lẽ đó là cơ duyên của mình với Hà Nội. Có những điều không thể lý giải được”. Còn khi nói về sự nghiệp nghiên cứu rùa Hồ Gươm của ông, có người từng viết về ông như sau: “Chưa bao giờ ông cảm thấy nao núng, mệt mỏi về công việc, về sự đấu tranh bảo vệ cảnh quan, loài rùa Hồ Gươm. Tự thân ông thấy quá gắn bó với “sự nghiệp” này, không dứt ra được. Lúc nào trong đầu ông cũng thường trực những thông tin về Hồ Gươm và rùa Hồ Gươm...”.

PGS.TS Hà Đình Đức kể rằng, cách đây khoảng mươi năm có thống kê cho biết, người Hà Nội có gốc gác Thanh Hóa chiếm hơn 20%, nếu tính cả người gốc Nghệ An và Hà Tĩnh nữa, con số này hơn 50%. Chưa rõ có chính xác không, nhưng ông cho rằng, cái tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người Hà Nội hiện nay chính là do những người có gốc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mang đến cho Hà Nội. “Chuyện đó từ nhiều đời rồi. Nó thể hiện Hà Nội là nơi hội tụ của cả nước, mọi phương. Hào khí xứ Thanh cũng về Hà Nội mà...” – ông cười hóm hỉnh khi nói vậy.

Thế mới biết, câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, có sức nặng thế nào trong tâm thức của bao thế hệ người Việt đối với vùng đất Kẻ Chợ kinh kỳ này. Xin mượn câu nói của nhà văn Nguyễn Khắc Phục (người quê Nam Định nhưng đã có hàng chục tác phẩm kịch và tiểu thuyết viết về Thăng Long – Hà Nội) để kết thúc bài viết này: “Tôi yêu Hà Nội với tất cả tình cảm của mình mà không thể lý giải được. Tôi yêu tất cả những gì thuộc về Hà Nội đúng nghĩa, kể cả mùi cống rãnh và bụi bặm vỉa hè...”.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục