Anh Nguyễn Tuấn, chủ 2 cơ sở xoa bóp ấn huyệt lớn tại đường Hoa Lư và Hồng Bàng TP Nha Trang, từ hơn 11 năm nay đã tuyển mộ và giúp đỡ 26 người mù đến từ khắp nơi trên cả nước làm việc cho mình. Những người không thấy ánh sáng cùng ông chủ triệu phú đã làm hài lòng không ít du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2005, 2 vợ chồng và 2 người bạn của anh Tuấn, mỗi người vay vốn hỗ trợ người mù được 40 triệu đồng và quyết định thuê cơ sở hiện nay ở đường Hoa Lư để hành nghề xoa bóp, bấm huyệt. Riêng tiền thuê nhà đã mất 15 triệu đồng/tháng, đặt cọc trước 6 tháng. Cách đây 8 năm, giá này không hề rẻ. “Hồi đó phòng không có máy lạnh, đồ đạc, nhà cửa thô sơ nhưng khách vẫn đến. Tôi đến nhiều ngân hàng vay vốn ưu đãi, nhưng rất khó khăn vì phương án trả nợ là một khó khăn khó vượt qua đối với người mù. Nhưng Ngân hàng NN-PTNT chấp nhận, vì có ưu đãi như trả trước mà không bị phạt, thời gian cho vay 7 năm, trả theo tháng”, anh Tuấn tâm sự về thời gian mới khởi nghiệp của mình.
Đường đời chưa bao giờ bằng phẳng, kể cả với người bình thường. Để có được 2 cơ sở xoa bóp ấn huyệt khang trang như ngày hôm nay, anh Tuấn đã phải bắt đầu từ những “con số âm”. Anh Tuấn khởi nghiệp mà không có bao nhiêu vốn liếng. Dưới trời mưa gió, anh phải gõ cửa từng nhà. Thấy anh mù lòa, người ta không chỉ từ chối mà còn nói một cách thẳng thừng: “Mấy em chân dài, mắt sáng choang còn chưa làm được, huống chi người mù”. Tự trọng, anh phải làm không công để khách có thể hiểu mình. Có đêm anh phải làm cho khách tới 1 - 2 giờ sáng mới lò mò dò gậy về đến nhà. Anh Tuấn nhớ lại: “Ngày ấy tôi đi một mình. Tự đi tìm khách, tự đi làm, khởi nghiệp rất khó khăn. Khi ấy 1 tháng nhiều nhất chỉ 10 khách”. Cách đây khoảng 11 năm chỉ có 4 - 5 người mù làm công việc xoa bóp ấn huyệt ở Nha Trang. Thấy khả năng và tính chịu thương, chịu khó của anh Tuấn, khách truyền tai nhau rồi họ tìm đến hoặc thuê anh xoa bóp, bấm huyệt.
Bước vào cửa ngõ trung tâm massage cao 4 tầng của anh ở đường Hoa Lư, TP Nha Trang, điều đầu tiên đập vào mắt khách là hàng chữ tiếng Nga ngay ở cổng chào. Hiện nay, du khách Nga đến Nha Trang du lịch rất đông. Từ năm 2007, mỗi tháng có khoảng 200 - 300 người Nga đến trung tâm của anh Tuấn massage. Hiện nay, mỗi tháng thu nhập bình quân của 2 trung tâm massage do anh làm chủ vào khoảng 180 - 200 triệu đồng.
Những nhân viên làm việc trong trung tâm đều được học tiếng Anh và tiếng Nga. Anh Tuấn cho biết: “Mọi người đều nói được tiếng Nga, khi người ta nói thì mình nhớ và người ta chỉ thêm cho mình. Người nào biết tiếng Anh thì học tiếng Nga càng thuận tiện. Mình hỏi tiếng Anh, họ trả lời với mình bằng tiếng Anh, rồi mình giao lưu với khách đề nghị họ nói tiếng Nga câu đó. Chúng mình ghi nhớ và học được”. Các thành viên trong trung tâm có thể hiểu được những ngôn ngữ cơ bản để giao tiếp với người Nga.
5 năm trở lại đây, mỗi tháng có hơn 1.500 lượt khách Nga và khoảng 1.700 khách Việt Nam đến 2 trung tâm của anh Tuấn để massage. Không chỉ khách Nga mà du khách nhiều nước trên thế giới cũng đến.
Cùng nhau nương tựa
Một ngày làm việc của họ kéo dài từ 8 giờ đến 22 giờ 30. Họ không làm liên tục mà xoay tua. Họ chung sống với nhau, không phân biệt trên dưới, ăn chung, cùng tâm sự vui vẻ.
Trung tâm có tất cả 26 nhân viên đều là người khiếm thị, đến từ nhiều tỉnh, thành như Cao Bằng, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Cần Thơ… Đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Khmer, Chăm. Người lớn nhất là ông Trân, 46 tuổi, có suy nghĩ: “Chúng tôi về đây như nhà mình vậy, tôi dù lớn tuổi nhưng khi về đây mới tìm được công việc ổn định và lâu dài, mọi người sống tình cảm lắm”. Thành viên trẻ nhất trong trung tâm là Hội, năm nay 21 tuổi.
Tất cả mọi người sau khi làm việc đều ngủ nghỉ tại 12 Hồng Bàng và 34 Hoa Lư. Mọi người góp tiền cơm, mỗi tháng đóng 650.000 đồng. Một ngày 12.000 đồng cho 2 bữa ăn chính. Anh Tuấn cũng hỗ trợ thêm thực phẩm. Mỗi người thu nhập thấp nhất 2,5 triệu đồng, nhiều nhất khoảng 4 triệu đồng, có tháng cao điểm - tháng nghỉ đông của người Nga - có khi lên đến 250 phiếu công/người, 1 phiếu công tương đương 29.000 đồng.
Tất cả mọi thành viên khi đến làm việc đều đã có chứng chỉ hành nghề. Theo thủ tục, anh Tuấn tự mình kiểm tra tay nghề của anh em bằng cách nằm xuống cho anh em xoa bóp. Anh nhận xét: “Tay nghề của mọi người tương đối đồng đều, nhưng cũng có sự khác biệt. Anh em quê miền Bắc có đặc điểm xoa bóp mạnh và nhanh, còn anh em ở miền Nam thì xoa bóp mềm mại, chậm chạp. Từ đó tôi chọn nhân viên cho khách phù hợp nhất”. Các cơ sở khác cho nhân viên làm giống nhau, nhưng với anh không bắt buộc để phát huy lợi thế riêng của mỗi người.
Những khi rảnh rỗi, anh Tuấn có thú vui dắt con mình là bé Phúc An đi học, đi chơi hay dạo phố. Khi con còn nhỏ, anh mang con bằng cách gùi trước ngực như người dân tộc thiểu số thường làm. Dù rằng phải dùng gậy để dò đường nhưng anh vẫn dắt con đi học cả lúc đi lẫn lúc về. Anh tâm sự: “Bây giờ và sau này, dù con tôi có đi học xa đi nữa, tôi vẫn sẽ thường xuyên đưa đón và đến thăm con tôi ở trường. Tôi phải để con tôi, bạn bè của nó và cả xã hội này thấy được tôi là cha nó, dù mù thì tôi vẫn là cha nó, để nó không tủi thân, không bị kỳ thị”. Anh còn cho biết, trước kia khi đưa Phúc An đi học thường nghe nhiều người đi đường cười cợt: “Ông mù kìa, ông mù kìa”. Nhưng là một người cha, nếu để con phải xấu hổ vì mình là không được nên anh không ngại ngùng đưa con đi học mỗi ngày, đợi con sớm hơn những phụ huynh khác. Giờ đây, cũng tại nơi đó, anh lại nghe người ta nói: “Phúc An ơi, bố kìa, chạy ra với bố đi”.
ĐỨC THỌ