Theo truyền thống phương Đông, cha mẹ nuôi nấng con cái và dựa vào sự chăm sóc của con cái khi về già. Nhưng đi cùng với sự phát triển xã hội, trong đời sống kinh tế-văn hóa của nhiều quốc gia châu Á đã xuất hiện nhiều đổi thay.
Tại Trung Quốc, nhịp sống công nghiệp đã dần hút hết tâm lực và thời gian của người trẻ, khiến người già phải chạnh lòng cô đơn. Ở nước này, từ nông thôn đến thành thị đang xuất hiện ngày càng nhiều các “tổ chim trống trải”.
Việc con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già của người Trung Quốc đang bị đe dọa phá vỡ bởi các yếu tố văn hóa phương Tây và cuộc sống hiện đại. Nhiều thanh niên giờ đang làm ngơ nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Hệ quả, hơn 40% những cặp vợ chồng già từ tuổi 60 ở nhiều đô thị Trung Quốc đang phải sống trong những căn nhà vắng vẻ. Gần 48,9% người cao tuổi ở các vùng nông thôn phải sống cô đơn (Trung Quốc hiện có gần 200 triệu người trên 60 tuổi).
Con cái họ phần lớn du học, đi làm xa, không thường xuyên hoặc không về thăm bố mẹ. Có nhiều trường hợp cá biệt hơn, không đưa tiền trợ cấp. Những người cao tuổi chỉ biết sống nhờ vào đồng lương hưu, tiền dưỡng già do tích cóp từ lúc đi làm. Ngoài ra, số lượng các nhà dưỡng lão đang ngày càng tăng, các trường hợp người già cô đơn chết trong nhà riêng không ai hay biết cũng trở nên đáng báo động, khiến các nhà chức trách không khỏi lo lắng.
Những bậc sinh thành bị bỏ lại phía sau phải tìm cách thích nghi với cuộc sống. Điều gây kinh ngạc, họ thay đổi định kiến từ hàng ngàn năm về con trai hay gái và cho rằng con gái giờ hiếu thảo hơn.
Theo kết quả khảo sát gần đây, tỷ lệ người muốn có con gái đã nhỉnh hơn số người khát con trai. Nhiều người già phải tìm cách tham gia các chương trình chăm sóc của tư nhân, hoặc phải thuê con nuôi cho vui tuổi xế chiều.
Tân Hoa xã nhận định, chính sách một con hiện nay của Trung Quốc có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Các chuyên gia xã hội học cho biết những người được sinh ra trong thế hệ một con của Trung Quốc đang ngày càng chú ý đến bản thân, ngày càng xa rời những nghĩa vụ đối với cha mẹ già. Bị cuốn vào ánh sáng của các đô thị lớn, theo đuổi lối sống thị dân giàu có, nhiều người thậm chí còn quyết định sẽ không sinh con do chi phí để chăm lo một đứa trẻ quá cao.
Trước tình trạng đáng báo động trên, Chính phủ Trung Quốc đã xem xét việc đưa vào điều luật buộc con cái phải chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Đồng thời, rà soát các chính sách an sinh xã hội để phục vụ nhu cầu an dưỡng của người cao tuổi tốt hơn. Những điều luật có thể ban hành, chính sách cũng có thể thực hiện, nhưng quan trọng hơn vẫn là ý thức của mỗi người.
Chữ Hiếu mà thế hệ trẻ Trung Quốc thực hiện phải xuất phát từ chính tấm lòng chứ không phải do bị ép buộc mới thật sự có ý nghĩa. Và để có chữ Hiếu, người ta lại yêu cầu giáo dục phải làm được điều đó.
THANH HẰNG