(SGGP).- Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1-10-1876 - 1-10-2016) sẽ diễn ra vào ngày 1-10 tại quê hương cụ ở Quảng Nam. Đây là thông tin được Bộ VH-TT-DL đưa ra trong buổi họp báo ngày 22-9, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ VH-TT- DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, hoạt động này nhằm tưởng nhớ công lao và những cống hiến to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng với dân tộc Việt Nam, góp phần bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Lễ kỷ niệm do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức.
Theo đó, trước lễ kỷ niệm, ban tổ chức tiến hành lễ viếng, dâng hương, trồng cây lưu niệm tại Nhà tưởng niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng: xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phong. Trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Tiên Phước tổ chức viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ấn, huyện Sơn Tịnh và Khu lưu niệm Ủy ban kháng chiến - hành chính Nam Trung bộ tại thị trấn chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Tối 30-9, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huỳnh Thúc Kháng với quê hương”…
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh tháng 10 năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Năm 1904, cụ cùng các sĩ phu yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can… khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền trong nhân dân tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện cải cách với tinh thần “khai thông dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân… Năm 1908 cụ bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Sau khi được trả tự do, cụ tiếp tục các hoạt động yêu nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ lâm thời với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đầu năm 1946, cụ làm Chủ tịch hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.
Tháng 5-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được giao giữ chức vụ Quyền Chủ tịch nước. Với trọng trách được giao, cụ vừa góp phần tích cực xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động.
MAI AN