Ngày 26-10, Quốc hội đã dành trọn ngày để cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ĐBQH đồng tình với quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Các vụ án đơn giản được xét xử theo thủ tục rút gọn
Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo. Theo đó tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Cũng có nhiều ý kiến khác đề nghị không quy định nội dung này trong dự luật, nhưng theo quan điểm của UBTVQH, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) như quy định tại dự thảo là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung. Để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Quan điểm của UBTVQH nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu. Theo ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), nếu tòa án từ chối giải quyết tranh chấp dân sự khi chưa có điều luật áp dụng sẽ dẫn đến tình trạng không bảo đảm quyền công dân, quyền con người đã được hiến định.
ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội trường Ảnh: LÃ ANH
Về thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, nhiều ý kiến tán thành việc xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do 1 thẩm phán thực hiện. Một số ý kiến cho rằng việc xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn vẫn phải bao gồm 3 thẩm phán để bảo đảm tính chính xác, khách quan. Theo UBTVQH, các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn là các vụ án đơn giản, do 1 thẩm phán tiến hành. Quy định như vậy là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Thảo luận về điều này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) hoan nghênh việc rút gọn các tình tiết rõ ràng. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, những vụ án liên quan đến trẻ em, vi phạm dưới 10 triệu đồng cũng nên rút gọn.
Quyền được biết các tài liệu, chứng cứ của bên kia
Về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đương sự có nghĩa vụ sao chụp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ giao nộp cho tòa án để gửi cho các đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. UBTVQH cho rằng, để bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện được nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự thì cần quy định các bên đương sự có quyền được biết các tài liệu, chứng cứ của bên kia, làm cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đáng lưu ý, vai trò, thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng dân sự vẫn là vấn đề tiếp tục có những ý kiến tranh luận. UBTVQH đề nghị tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự. Theo đó, dự thảo quy định “sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, thư ký tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án”. Đồng tình vấn đề này, ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) cho rằng, VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng, phát biểu quan điểm về hướng giải quyết vụ án, không ảnh hưởng gì đến tính độc lập, khách quan trong xét xử.
Về thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của VKSND, UBTVQH cho rằng, VKSND là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND nên việc quy định VKSND thu thập chứng cứ là không phù hợp. Như vậy, khác với bộ luật hiện hành, dự thảo không quy định thẩm quyền này của VKSND. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền lại cho rằng, nếu không trao quyền này cho VKSND thì “viện làm sao kháng nghị chính xác được!”. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) tán thành quan điểm này và nói thêm: “Để đảm bảo tiến trình tố tụng chặt chẽ, công bằng, khi đại diện VKSND vắng mặt có lý do thì phiên tòa phải hoãn”. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) hoàn toàn ủng hộ việc tòa án áp dụng lẽ công bằng để xét xử (cả trong Bộ luật Dân sự sửa đổi), vì phù hợp với thực tiễn trong nước cũng như thế giới.
ANH PHƯƠNG - LÂM NGUYÊN Oan sai là do cơ quan tố tụng chưa làm hết trách nhiệm Liên quan đến vụ việc trên, ngày 26-10, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, phóng viên Báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH. Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Phát hiện oan sai thì phải xem xét lại Vấn đề này tôi đã nói nhiều lần rồi, oan sai mà phát hiện thì phải xem xét lại. Qua phản ánh của cử tri, của những người dân có dính đến tố tụng thì họ đều cho biết oan sai phát hiện ra chỉ là một phần nhỏ so với thực tế. Oan sai ở những cấp độ khác nhau nhiều hơn rất nhiều. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hàng năm cũng đã thẩm tra các báo cáo của Chính phủ cũng đã có ý kiến. Có nhiều vụ khởi tố oan, tức là không đáng khởi tố hình sự, hoặc bắt giam, tạm giam không cần thiết. Những tỷ lệ đó cộng vào nói chung là đều có oan, sai. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Sửa luật sẽ hạn chế được oan sai Khi đã có kêu oan thì phải xem xét, bất cứ là ai. Vì trong thực tiễn xét xử cho thấy, còn nhiều vụ án oan sai. Oan sai có rất nhiều lý do, vì vậy khi đã có đơn kêu oan thì phải xem xét lại một cách thận trọng, khách quan. Đặc biệt, trong Luật Tố tụng hình sự lần này có sửa là nếu có oan sai thì Bộ Công an phải điều tra lại chứ không phải do các cơ quan tiến hành tố tụng tự làm. Như vậy sẽ khách quan hơn. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng oan sai vẫn xảy ra. Dù chúng ta ai cũng muốn không còn oan sai nhưng thực tiễn là khó. Chỉ có thể hạn chế tối đa chứ không thể hết oan sai tuyệt đối được, các nước cũng vậy. Tới đây, khi chúng ta sửa Luật Tố tụng hình sự chắc chắn sẽ hạn chế được oan sai, vì sẽ buộc cơ quan tố tụng phải tuân theo những quy định ngặt nghèo hơn, ví dụ xét hỏi phải có quay camera; nghi can có quyền không khai báo để chống lại chính mình hoặc họ được có luật sư ngay từ đầu... Thực tế là oan sai phần lớn do các cơ quan tố tụng không làm hết trách nhiệm của mình. Khi nhận được đơn kêu oan nhưng họ không giải quyết. Chỉ khi có áp lực dư luận thật lớn thì mới được xem xét. Ví dụ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn dù đã gửi nhiều đơn nhưng không được xem xét, chỉ khi có áp lực dư luận, có người ra nhận tội thì vụ án mới được xem xét lại. Như vậy, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải xử lý thật nghiêm khi để xảy ra oan sai. LÂM NGUYÊN
Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc để có đối sách triệt để hơn, không nên xuê xoa. Những vụ oan sai nghiêm trọng diễn ra là do chúng ta không xử nghiêm túc những vụ nhỏ một cách thường xuyên. Nếu cả nể, lỏng lẻo kiểm soát những người làm công tác tiến hành tố tụng thì rất dễ dẫn đến hậu quả là gây oan sai. Xem lại những vụ nghiêm trọng cho thấy, quá trình tố tụng có nhiều sai sót mà không phát hiện được, đó là do quá buông lỏng kiểm soát. Oan sai chủ yếu là do công tác thực thi kém, còn hệ thống pháp luật của chúng ta khá đầy đủ.