Các vụ tranh chấp thương mại xảy ra trong những năm gần đây cho thấy dù luôn kêu gọi tự do thương mại nhưng tư tưởng bảo hộ chưa bao giờ lùi bước tại các nước có tiềm lực kinh tế mạnh, đặc biệt trong bối cảnh “làm ăn” ngày càng khó khăn khi kinh tế rơi vào suy thoái. Thực trạng này đã trở thành những bài học cho các nền kinh tế mới nổi đang muốn hội nhập sâu hơn vào thương mại toàn cầu.
“Nạn nhân” bị kiện ngày càng nhiều
Chuối của Mỹ, thịt bò của châu Âu, cá tra và cá ba sa của Việt Nam, con tôm của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Ecuador và Brazil là những “nạn nhân” đầu tiên của cuộc chiến thương mại mới kể từ khi cam kết không kiện hoạt động hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của một quốc gia khác của WTO hết hiệu lực vào ngày 31-10-2003. Sau thời kỳ này, danh sách “nạn nhân” càng dài thêm ra với các sản phẩm như túi nhựa của Thái Lan, phí thị thực của Ấn Độ, hàng dệt may Trung Quốc, thép của EU, giày da Trung Quốc và Việt Nam, thịt bò Canada… Mới đây nhất, ngày 13-12, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã bác đơn của Bắc Kinh kiện Washington áp thuế trừng phạt đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, một biện pháp trừng phạt Bắc Kinh coi là mang tính bảo hộ nặng nề. Trước đó, hồi 2007, cũng đã xảy ra vụ tranh chấp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Brazil xung quanh vấn đề lốp ô tô tái chế.
Tuy nhiên, vụ kiện được xem kéo dài nhất, có giá trị lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử tranh chấp thương mại của WTO là vụ tranh cãi giữa hai “gã khổng lồ” trong ngành sản xuất máy bay: Boeing của Mỹ và Airbus của EU. 6 năm trước, Mỹ cáo buộc EU chi những khoản trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus để tung ra những mẫu máy bay mới. Ngay sau đó, EU cũng đã đưa ra cáo buộc Mỹ đã tài trợ không chính đáng cho Boeing thông qua ưu đãi thuế. WTO phán quyết cả hai bên đều vi phạm luật thương mại thế giới như bên kia tố cáo. Điều này dẫn đến việc hy hữu khi cả hai bên đều tuyên bố thắng trong vụ tranh cãi này.
Theo thống kê, tính đến thời điểm này của năm 2010, Trung Quốc là nước bị kiện nhiều nhất tại WTO. Trong năm nay, WTO nhận được 12 đơn kiện, trong số này có tới 4 đơn kiện nhằm vào Trung Quốc, tố cáo nước này áp dụng chính sách cạnh tranh thương mại không lành mạnh, trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu và đánh thuế bảo hộ thị trường nội địa. Hai đơn kiện Trung Quốc gần đây nhất đều đến từ Mỹ. Washington kiện Bắc Kinh về bảo hộ mậu dịch khi áp thuế nhập khẩu lên một loại thép đặc biệt dùng trong ngành sản xuất năng lượng và phân biệt đối xử đối với các công ty phát hành thẻ ngân hàng của Mỹ khiến cho các nhà cung cấp của Mỹ bị loại ra khỏi thị trường này.
Không chỉ có sản phẩm trên, giữa hai cường quốc kinh tế này còn có nhiều cuộc tranh chấp khác “nổi đình nổi đám” trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học nông nghiệp, thịt gia cầm, chuyển phát nhanh, bảo hiểm và ô tô…
Mỹ: Thua kiện nhiều vụ
Nếu như Trung Quốc nổi bật với vai trò “bị đơn” nhiều nhất thì Mỹ - cường quốc kinh tế số 1 thế giới cũng từng bị WTO phán quyết “thua” vì đã không “fair-play” trên thương trường. Chính sách trợ cấp nông nghiệp của Mỹ từ lâu đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn quốc tế. Việc Mỹ trợ giá cho hàng vải bông đã giúp các nhà sản xuất Mỹ bán sản phẩm thấp hơn các đối thủ bên ngoài và ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường thế giới, tác động không nhỏ tới những người trồng bông tại Brazil và các nước trồng bông khác.
Với phán quyết của WTO vào tháng 11-2009, Brazil được phép trả đũa các mặt hàng của Mỹ trị giá gần 830 triệu USD tiền phạt vì Chính phủ Mỹ đã “chi quá tay” trong trợ cấp cho người trồng bông nước này cũng như hỗ trợ người dân qua chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu. Sau thắng lợi này, Brazil tuyên bố thực hiện lệnh trừng phạt với hàng hóa Mỹ để bù đắp những thiệt hại mà “quốc gia bóng đá” này phải chịu. Theo đó, hàng loạt sản phẩm của Mỹ, từ hoa quả tươi đến các mặt hàng công nghiệp, sẽ phải chịu biểu thuế cao khi nhập khẩu vào nước này. Theo biểu thuế mới của Brazil, hoa quả tươi của Mỹ bị áp mức thuế 30% thay vì 10%, thuế kẹo cao su tăng từ 18% lên 36%, ô tô của Mỹ chịu mức thuế 50% thay vì 35% như hiện nay... Dự tính, khi áp mức thuế mới, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tổn thất khoảng 591 triệu USD.
Trong lịch sử tranh chấp của WTO, việc Brazil thắng kiện Mỹ trong vụ “sợi bông” đòi bình đẳng và thắng kiện cả EU trong vụ kiện về trợ cấp đường ăn đã mở đường cho các nước “dũng cảm” kiện Mỹ khi có tranh chấp thương mại.
Ngày 24-4-2009, Mỹ cũng “thua” Nhật Bản trong vụ kiện tranh chấp thương mại liên quan cách tính thuế chống bán phá giá của Washington khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục vi phạm các luật thương mại quốc tế khi định ra các mức thuế nhập khẩu bất hợp pháp đối với các sản phẩm thép và vòng bi của Nhật Bản, bất chấp phán quyết trước đó của WTO cho rằng cách tính thuế chống phá giá “quy về 0” này vi phạm nguyên tắc buôn bán quốc tế. Theo cách tính thuế chống phá giá “quy về 0”, Washington tính toán biểu thuế chống phá giá bằng cách chỉ xem xét những trường hợp hàng nhập khẩu được bán ở Mỹ với giá thấp hơn giá trên thị trường ở nước sản xuất. Nhật Bản cho rằng cách tính thuế này giúp Washington tăng biểu thuế chống phá giá, khiến ngành công nghiệp Nhật Bản thiệt hại 248,5 triệu USD mỗi năm.
Mỹ là nước duy nhất trong số 153 nước thành viên WTO sử dụng công thức “quy về 0” để tính thuế và các quan chức Mỹ thừa nhận sẽ phải điều chỉnh cách tính này để phù hợp với các quy định của WTO.
Trả đũa -cách phòng vệ “tối ưu”
Khi kinh tế bước vào giai đoạn khủng hoảng sẽ xảy ra nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Diễn biến thực tế năm 2008, 2009 và 2010 không nằm ngoài dự báo đó. Năm 2008, 2009 báo cáo của WTO đã ghi nhận sự gia tăng dần của các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Đến năm 2010, thực tế này càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các nước đều chọn trả đũa là cách phòng vệ tối ưu.
Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế chống bán phá giá lên đến 105% trên tất cả các sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này được coi là biện pháp trả đũa sau khi Ủy ban tài chính và thuế vụ thuộc Hạ viện Mỹ chuẩn y dự luật trừng phạt Trung Quốc kiềm giá nội tệ. Mức thuế này có hiệu lực ngay từ ngày 27-9, kéo dài trong 5 năm bên cạnh mức thuế sơ bộ đã được áp dụng từ tháng 2-2010.
Trung Quốc cũng đã quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ốc vít làm bằng thép carbon của EU chỉ một ngày sau khi EU nhất trí kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đánh vào giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam thêm 15 tháng. Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tăng thuế đánh vào các sản phẩm ốc vít làm từ thép carbon của EU dao động từ 16,8%-24,6% và bắt đầu có hiệu lực ngay từ ngày 28-12 tới.
Thực tế cho thấy, các nước đang phát triển ngày càng mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các biện pháp trả đũa và không sợ sẽ bị trả đũa, miễn là áp dụng các biện pháp phù hợp với luật pháp thương mại quốc tế.
Hạnh Chi (Tổng hợp từ Reuters, Global Post, FT)