Tọa đàm khoa học về Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ

(SGGP).- Ngày 16-1, tại TPHCM, Thành ủy TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức tọa đàm khoa học về “Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - Nhà trí thức yêu nước với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư (GS) Tôn Thất Dương Kỵ (19-1-1914 – 19-1-2014).

(SGGP).- Ngày 16-1, tại TPHCM, Thành ủy TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức tọa đàm khoa học về “Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - Nhà trí thức yêu nước với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư (GS) Tôn Thất Dương Kỵ (19-1-1914 – 19-1-2014).

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN Lê Bá Trình khẳng định: GS Tôn Thất Dương Kỵ là một tấm gương trí thức yêu nước lớn, một đảng viên cộng sản xuất sắc xuất thân trong gia đình hoàng tộc của triều Nguyễn đã có đóng góp vào thành công của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong giai đoạn hoạt động cách mạng tại Sài Gòn, GS Tôn Thất Dương Kỵ đã tham gia vào các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với bí danh Dương Kỳ Nam; lãnh đạo phong trào Dân tộc tự quyết Việt Nam tại Ủy ban Vận động hòa bình Việt Nam.

“Trong GS có 2 con người đồng thời xuất hiện trong lịch sử thành phố Huế, Sài Gòn và nước Việt Nam. Một con người hợp pháp, công khai dưới chế độ Pháp thuộc, Mỹ thuộc với vai trò một nhà giáo, nhà văn nổi tiếng; một con người khác là chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật, chiến đấu kiên cường, anh dũng giữa lòng địch” - GS Lê Quang Vịnh nhận định.

Tại buổi tọa đàm, có gần 30 bài viết và ý kiến tham luận nói về công lao to lớn của GS Tôn Thất Dương Kỵ trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Các tham luận làm rõ những đóng góp của GS trong công tác nghiên cứu về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi thống nhất đất nước, GS đã khảo cứu thư tịch cổ về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam với nhiều bài viết, bài báo sắc sảo, kiên định và thuyết phục về mặt khoa học và sử liệu. Trước những đóng góp to lớn cho đất nước, nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam cho GS Tôn Thất Dương Kỵ.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục