Tòa nhà không cần hệ thống điều hòa không khí

Tiết kiệm từ hệ thống làm mát bằng hơi nước
Tòa nhà không cần hệ thống điều hòa không khí

Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thời trang, thuộc Trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may và Thời trang TPHCM được biết đến như là một đơn vị có phương thức tiết kiệm năng lượng có hiệu quả lâu bền. Vậy đâu là yếu tố tạo nên tính chất này của tòa nhà?

Tiết kiệm từ hệ thống làm mát bằng hơi nước

Tòa nhà không cần hệ thống điều hòa không khí ảnh 1

Khu vực xưởng thực hành của tòa nhà luôn đảm bảo ở mức 27,7°, độ ẩm là 82% mà không cần sử dụng hệ thống điều hòa không khí.

Có lẽ, nét đặc trưng nhất của tòa nhà là không sử dụng máy lạnh mà chủ yếu sử dụng thông gió tự nhiên bằng hệ thống cửa chính và cửa sổ có mái che. Ông Phạm Ngọc Hải, người quản lý bộ phận năng lượng của trung tâm cho biết: Tại khu vực thực hành thiết kế, cắt may, hệ thống máy may hoạt động liên tục 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày nên nhiệt lượng tỏa ra rất lớn. Do đó, để làm mát không khí tại đây, chúng tôi đã ứng dụng giải pháp sử dụng hệ thống thông gió xuyên phòng và làm lạnh bằng hơi nước.

Kết cấu của hệ thống rất đơn giản bao gồm quạt hút và màng nước được bố trí đối nhau. Theo đó hệ thống quạt hút sẽ hút nước từ màng nước tạo thành các luồng gió đối lưu mang hơi ẩm cao, làm nhiệt độ khu vực xưởng thực hành luôn đảm bảo ở mức 27,7°C, độ ẩm là 82%, tỷ lệ trao đổi không khí sạch 113,7m³/giờ/m².

Có thể nói, việc sử dụng hệ thống làm mát này chỉ tiêu tốn một lượng điện năng rất nhỏ (cho quạt hút và bơm), khoảng 50% điện năng so với việc sử dụng hệ thống máy lạnh. Ngoài ra, do không sử dụng máy lạnh nên không thải ra khí CFC (chlorofluorocacbons) – một chất gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính, góp phần tạo ra một môi trường an toàn và trong lành. Và đây cũng chính là lợi ích lâu dài mà tòa nhà đang hướng tới.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Huy Phong, Trưởng phòng kỹ thuật R&D Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, giải pháp làm lạnh bằng bay hơi này chỉ phù hợp với các không gian hở được thông gió thường xuyên, còn đối với các tòa nhà có không gian kín thì lại khó ứng dụng. Hơn nữa, với một số ngành sản xuất đòi hỏi độ ẩm không cao như điện tử, thuốc men… thì không thể áp dụng vì ảnh hưởng không tốt đến sản phẩm.

Thực hiện chiếu sáng hiệu quả

Mặt khác, để hạn chế lãng phí điện năng trong chiếu sáng, tòa nhà đã tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên bằng cách bố trí hợp lý hệ thống cửa chính và cửa sổ bằng kính sáng. Bề mặt tầng trệt dùng tường khung nhôm, kính trắng, kích thước rộng để lấy sáng tự nhiên. Tại các cửa sổ có bố trí các mái hiên và màn che di động nhằm che nắng cho công trình.

Hệ thống đèn cũng được cải tạo sao cho tiết kiệm điện hơn bằng cách thay bóng T10 (công suất 40W) xuống T8 (công suất 36W) và đều lắp chụp phản quang nhằm gia tăng độ rọi. Các công tắc đèn cũng được lắp riêng biệt để có thể chủ động đóng ngắt cục bộ khi không có nhu cầu sử dụng hoặc ánh sáng tự nhiên cung cấp đủ độ sáng cần thiết.

Nhờ kết hợp chặt chẽ các biện pháp tiết kiệm năng lượng với công tác quản lý, bảo dưỡng, từ đầu năm 2007 đến nay, tòa nhà Trung tâm Công nghệ thời trang đã tiết giảm được 15% lượng điện tiêu thụ so với cùng kỳ. Ông Phạm Ngọc Hải cũng cho biết, trong thời gian tới trung tâm sẽ thực hiện gắn bộ tiết kiệm điện lên toàn bộ hệ thống máy may tại xưởng thực hành, dự kiến sẽ tiết kiệm được 20% đến 30% lượng điện ngay trong mỗi máy may.

Thúy An

Tin cùng chuyên mục