Chương trình Nhà búp bê tại Hà Nội

Tỏa sáng lòng nhân ái

Tỏa sáng lòng nhân ái

Hơn 40.000 búp bê, trên 683 triệu đồng và hàng ngàn quà tặng đã được trao cho trẻ em nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Những ngày tháng 6-2006, Nhà búp bê tiếp tục mang đến niềm vui cho trẻ em khó khăn và khuyết tật ở Hà Nội.

Sôi động Chương trình Nhà búp bê

Tỏa sáng lòng nhân ái ảnh 1

Đại diện Báo SGGP trao tặng búp bê cho trẻ em khuyết tật tại làng Hòa Bình Thanh Xuân. Ảnh: Quang Trọng

Báo SGGP đã nhận được nhiều thư và quà của các tập thể, cá nhân và nhất là của các em nhỏ khắp nơi gửi về ủng hộ chương trình.

Thư của em Dương Thị Hà - tổ 4, khu Vĩnh Tuy 2, Mạo Khê, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - có đoạn viết: “Cháu tình cờ đọc được bài báo Ngôi nhà búp bê. Cháu năm nay đã học lớp 10 và búp bê ngày còn nhỏ giờ nằm trong góc tủ. Cháu quyết định tặng nó cho các em nhỏ may mắn hơn. Hy vọng búp bê này sẽ đến với các em nhỏ cũng như đến với tuổi thơ cháu khi xưa”...

Những tấm lòng như thế đã góp lửa tạo thêm sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình Nhà búp bê, vượt ra khỏi phạm vi ban đầu của nó. Ngày 1-6, nhóm phóng viên đã đến tận nơi trao gần 500 búp bê cho trẻ em hai xã Tân Hưng - huyện Sóc Sơn và xã Tả Thanh Oai - huyện Thanh Trì (Hà Nội). Tại xã Tân Hưng, một xã nghèo thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Sóc Sơn, việc trao tặng búp bê đã diễn ra đúng dịp các thôn tổ chức ngày Tết thiếu nhi với sự tham gia của gần 1.000 trẻ em.

Dự kiến một phần búp bê sẽ dành tặng cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, số còn lại được chia về 6 trường mầm non thuộc 5 thôn trong xã. Ngày 20-6, đoàn cán bộ của Báo SGGP đã mang quà gồm nhiều thú nhồi bông, búp bê, bút sáp màu đến thăm và tặng cho các cháu của làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội. Tham gia cùng đoàn có đại diện của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế với các sản phẩm sữa nhãn hiệu z’DOZI.

Ấn tượng làng Hòa Bình

Những cư dân ở đây, 85% là trẻ em nạn nhân chất độc da cam dioxin. Nỗi đau chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên thân thể tật nguyền của các em. Dù vậy, gương mặt chúng vẫn bừng lên niềm vui khi đón nhận những món quà bé nhỏ.

Vinh, cậu bé 14 tuổi, có vóc dáng thiếu niên nhưng gương mặt, lời nói và nhận thức của em vẫn chỉ như đứa trẻ lên 5 tuổi. Em hồn nhiên chọn cho mình hai con thú nhồi bông, cầm chặt nó trong tay, ngắm nghía rồi trò chuyện bi bô khiến chúng tôi cảm thấy vừa vui vừa xót xa.

Em Nguyễn Thị Thanh, lẽ ra đã trở thành một thiếu nữ thì giờ đây, vẫn nâng niu con búp bê trong tay và vui với niềm vui thơ dại của một đứa trẻ. Dù tật nguyền, các em cũng có một thế giới riêng, ở đó chúng cũng mong có những con búp bê xinh đẹp làm bầu bạn. Những hộp sáp màu quà tặng của Báo SGGP cũng được các em rất yêu thích.

Thầy giáo Bình, dạy môn họa cho biết: “Các em rất thích vẽ, có em đã bộc lộ năng khiếu hội họa với việc cảm nhận màu sắc và cách thể hiện rất lạ. Nhiều bức tranh của các em đi dự thi đã đoạt giải trong nước và quốc tế”.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng ở đây chưa phù hợp với yêu cầu nuôi dạy trẻ khuyết tật, tất cả phòng ốc đều được cải tạo từ một nhà kho quân đội được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Về những khó khăn trong việc học tập của các em, cô giáo Nguyễn Quỳnh Hoa nói: “Do thiếu toàn bộ đồ dùng và phương tiện dạy học như đồ chơi, băng đĩa, tranh ảnh... nên mặc dù các cô giáo ở đây đều có trình độ, có nhiệt tình nhưng hiệu quả giáo dục không cao. Ngoài ra, làng cũng không đủ kinh phí để tổ chức các chuyến tham quan, dã ngoại, tạo cơ hội cho các em tái hòa nhập cộng đồng như mục tiêu đề ra. Để tổ chức văn nghệ, cả làng hơn 100 em nhưng chỉ có 10 bộ quần áo biểu diễn”...

“Khó lớn nhất hiện nay là kinh phí không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân làm từ thiện. Năm 2005, nguồn kinh phí cho làng là 1,2 tỷ đồng trong đó hơn 50% dành cho việc trả lương cán bộ công nhân viên với mức lương bình quân 700.000 - 800.000đ/người/tháng. Nguồn kinh phí hạn hẹp còn lại chỉ đủ duy trì những hoạt động khám chữa bệnh cơ bản và nuôi ăn.

Cũng do thiếu kinh phí, cơ sở thủy trị liệu được đầu tư từ năm 1998 nhưng nay vẫn không sử dụng được. Có thời điểm, làng không đủ kinh phí để chi trả nên không thể nhận thêm học sinh hoặc phải gửi trả bớt về gia đình. Điều đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều” - Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc làng Hòa Bình, Thanh Xuân cùng chia sẻ với Báo SGGP như vậy. 

MINH DUY

 

Tin cùng chuyên mục