
Thành Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa huyện Đông Anh (Hà Nội) là một địa danh văn hóa- lịch sử nổi tiếng. Đến đây người ta có thể được thỏa trí tò mò về sự thật của một kinh đô hơn 2.000 năm tuổi, của những dấu tích còn lưu giữ trong truyền thuyết và dịp để ôn lại những bài học xương máu của cha ông xưa.
Đến Cổ Loa là đến với những truyền thuyết, nơi có lũy thành xoáy hình trôn ốc kỳ diệu. Những truyền thuyết bỗng nhiên hiện về hư hư thực thực, mối tình Trọng Thủy- Mỵ Châu với chiếc áo lông ngỗng, giếng Ngọc… Hiện tại và quá khứ như không chia cách.

Khu di tích Cổ Loa.
Thời gian trôi qua, không còn rõ dấu vết của một tòa thành cổ, cũng không còn nữa nhiều kỷ niệm của một kinh thành huyền thoại. Nhà cao tầng đan xen giữa những ngôi nhà ngang đặc trưng của châu thổ sông Hồng. Nhưng vẫn còn đó các cụ bà vấn khăn mỏ quạ thong thả trên những con đường lát gạch chéo. Ở sân đình các em nhỏ- thế hệ công dân mới của Cổ Loa thật hồn nhiên.
Dọc đường đến trung tâm khu di tích có thể thấy rải rác những đoạn hào song song với các ụ, gò đất được coi làø dấu tích của tường thành Cổ Loa xưa. Có những đoạn tường thành còn lại khá dài chạy thẳng hay thành hình vòng cung nhưng thoải hơn và có thể dạo chơi. Quá khứ hiện diện đậm đặc hơn trong không gian của đình, chùa, đền, am nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của người Việt qua sóng gió thời gian cả vài ngàn năm.
Đình làm bằng gỗ lim, mộc mạc mà thanh thoát, chính là “ngự triều di quy” nơi ngày xưa vua thiết triều cùng bá quan văn võ, còn nay là nơi trưng bày các hiện vật cổ. Nổi tiếng hơn cả là những mũi tên đồng. Tôi bâng khuâng tự hỏi có phải mũi tên này từng được bắn ra từ cây nỏ thần một phát bách trúng khiến Triệu Đà phải bó tay?
Sau đình là chùa Bảo Sơn với hơn 200 bức tượng và cạnh đình là am Bà Chúa tức miếu thờ công chúa Mỵ Châu nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ nhỏ bé như cuộc đời ngắn ngủi của nàng. Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu được phủ một tấm vải lớn màu vàng, ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu. Vì thế, người đời nay dừng chân trước tượng đều có cảm giác ngậm ngùi. Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền thờ An Dương Vương, tương truyền dựng trên nền nội cung ngày trước.
Trước cửa đền có đôi rồng đá tinh xảo là di vật có từ đời Trần hoặc Lê sơ. Đền nằm ở trên một gò đất cao, từ đây có thể ngắm nhìn một góc Cổ Loa với những vườn rau, gốc mít hiền hòa. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thủy tự tử vì hối hận. Giếng Ngọc ở giữa một hồ nước xanh trong, nay có thêm những chiếc ghế đá nhỏ đặt quanh hồ cho du khách nghỉ chân, soi mình vào câu chuyện tình bi thương Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Khu di tích cũng là nơi sinh hoạt hội hè tín ngưỡng của nhân dân xã Cổ Loa. Cứ đến hội ngày 6 tháng giêng có 8 làng trong xã Cổ Loa tổ chức rước kiệu truyền thống tụ về sân đình Cổ Loa, dâng lễ, thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân có công lao to lớn trong việc dựng nước và giữ nước.
Người nơi khác đến đây thường tranh thủ tạt vào một vườn rau bên đường mua vài mớ mà họ tin là rẻ và an toàn hơn trên phố. Còn tôi thì mua mở hàng cho một bà cụ hiền hậu, giọng mời chân quê một con rùa đá đội nỏ thần với ý nghĩa “phát tài”.
Cổ Loa có diện tích bảo tồn gần 500 ha. Hiện vẫn còn 3 vòng thành đất: Thành ngoài có chu vi 8km, thành giữa 6,5 km, thành trong 1,6 km. Thân thành có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ cao 12m, chân thành rộng tới 20 – 30m. |
Hòa Bình