Tội tham ô, nhận hối lộ có nên bỏ án tử hình?

Bỏ tử hình là đi ngược quyết tâm chung
Tội tham ô, nhận hối lộ có nên bỏ án tử hình?

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, theo kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, việc phát hiện tham nhũng là một công tác rất phức tạp. Do đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước nên hành vi tham nhũng được tiến hành hết sức tinh vi, với nhiều thủ đoạn và thường được bao che dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thế nhưng, việc xử lý hiện nay lại chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa tội phạm về tham nhũng. Trong khi đó, theo tờ trình sửa đổi Bộ luật Hình sự sẽ bỏ hình phạt tử hình  đối với hai tội “tham ô tài sản và nhận hối lộ”?

Bỏ tử hình là đi ngược quyết tâm chung

Tội tham ô, nhận hối lộ có nên bỏ án tử hình? ảnh 1

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu (bìa trái ) bị xét xử vì phạm tội “Nhận hối lộ”. Ảnh: L.T.HÂN

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát phúc thẩm – VKSND tối cao tại TPHCM Lê Thành Dương, nếu xóa bỏ hình phạt tử hình cho các tội phạm này có thể xem như là một động thái đi ngược lại với quyết tâm chung của Đảng và Nhà nước, là “tuyên chiến” với tham nhũng.

Mặc khác ông cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, bỏ hình phạt tử hình  đối với “tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ” là chưa có cơ sở thuyết phục. Bởi vì, tham nhũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước, môi trường đầu tư, làm giảm lòng tin của người dân đối với chế độ.

Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế, thứ hạng về thực trạng tham nhũng tại VN từ 90 (năm 2000) xuống 123 (năm 2007). Điều này cho thấy tình hình tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn.

Kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về tình hình phòng chống tham nhũng năm 2008 còn cho thấy, mặc dù đã có nhiều cố gắng song công tác phòng ngừa tham nhũng vẫn tồn tại những hạn chế. Đó là tư tưởng xem việc phòng chống tham nhũng là của nhà nước, không phải của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn lúng túng và có biểu hiện nương nhẹ, chưa bảo đảm tính công bằng.

Theo báo cáo của Chính phủ năm 2008, có 40 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 9 trường hợp, xử lý hành chính 31 trường hợp). Một số vụ việc đáng lẽ phải được xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhưng chưa được thực hiện hoặc việc xem xét, xử lý còn chậm, không triệt để. 

Nhận hối lộ và đưa hối lộ: không thể một mức hình phạt

Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, nhiều vụ án tham nhũng, nhất là những vụ án nghiêm trọng được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tập trung chỉ đạo tiến hành còn chậm, gây bức xúc trong dư luận như vụ Thiên Lợi Hòa, Lào Cai (khởi tố ngày 12-9-2006); vụ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (khởi tố ngày 7-6-2007); vụ đất đai ở Quán Nam, Hải Phòng (khởi tố ngày 3-5-2007); vụ Đề án 112 (khởi tố ngày 13-9-2007)…

Đặc biệt là 2 vụ án còn lại trong 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung giải quyết từ năm 2006 (khởi tố vụ án từ năm 2005) và 2 vụ án tách ra từ vụ PMU 18 nhưng cho đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. Tình trạng này cần phải được phân tích, làm rõ nguyên nhân về nhiều mặt như: việc tổ chức thực hiện, năng lực và trách nhiệm cán bộ, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng...

Trong khi đó, theo ông Lê Thành Dương, nếu coi hành vi đưa hối lộ có tính chất nguy hiểm ngang bằng với hành vi nhận hối lộ là không hợp lý. Thực ra, “kẻ đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều có tội như nhau” nhưng không phải cùng nhận một mức hình phạt. Người đưa hối lộ có thể được xem như vừa là người phạm tội, vừa là nạn nhân trong nhiều trường hợp. Mặc dù hành vi đưa hối lộ cũng có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, vì góp phần làm tha hóa cán bộ nhà nước.

Tuy nhiên, nếu mọi yêu cầu của người dân được các cơ quan và cán bộ nhà nước giải quyết nhanh chóng, đúng thủ tục thì không ai nghĩ đến việc đưa hối lộ. Nhiều ý kiến khẳng định rằng: sở dĩ có nạn đưa hối lộ trước hết phải thấy sự yếu kém của nhà nước trong công tác chống tham nhũng, quản lý cán bộ.

Khi cán bộ không “vòi vĩnh”, không gây khó khăn trong việc giải quyết công vụ thì khó có người đưa hối lộ. Hình phạt đối với hành vi người đưa hối lộ ngang bằng với hành vi nhận hối lộ là không công bằng. Do vậy, không nhất thiết duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm này.

Chủ trương hạn chế phạm vi của hình phạt tử hình là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, việc xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình đối với các loại tội phạm nào, cần có sự cân nhắc và phải có lộ trình. Hơn nữa, muốn xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm nào, phải dựa vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại hành vi đó, cũng như yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm đó.

Một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chưa được xem xét kịp thời, làm rõ hoặc việc xử lý còn chậm, chưa triệt để. Đáng lưu ý là việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra chưa tốt, qua công tác thanh tra chỉ thu hồi được 3. 320,9 tỷ đồng và 361,9 ha đất, trên tổng số 5.769,1 tỷ đồng và 3.790,4 ha đất phải thu hồi. Đây là tồn tại đã kéo dài nhiều năm và đã được nêu ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội, nhưng cho tới nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng qua công tác kiểm tra, thanh tra mặc dù đã phát hiện ra nhiều vụ việc sai phạm với giá trị tài sản rất lớn, đề nghị xử lý kỷ luật 328 tập thể với 1.716 cá nhân, nhưng chỉ kiến nghị xử lý hình sự 119 vụ với 134 đối tượng, đây là vấn đề cần được lưu ý.

Hiếu Lê

Tin cùng chuyên mục