Tôm tăng giá: Nhà máy “kêu trời”, nông dân nuối tiếc

Tôm tăng giá: Nhà máy “kêu trời”, nông dân nuối tiếc

(SGGP_12G).- Những ngày qua giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục nhảy vọt, theo lẽ thường người nuôi phải hớn hở vì giá càng cao thì lợi nhuận càng nhiều. Vậy mà giá tăng nhưng cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến đều “kêu trời”. Vì sao có nghịch lý này?

Giá tăng khi tôm đã hết!

Tôm tăng giá: Nhà máy “kêu trời”, nông dân nuối tiếc ảnh 1
Đồng tôm ở ĐBSCL đang xuống cấp…

Đứng giữa cánh đồng tôm bạt ngàn ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, “Vua tôm” Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) cho biết: “10 ao tôm vừa thu hoạch trên 20 tấn, trong đó tôm loại 18 con/kg bán được giá 172.000đ/kg, loại 20 con/kg khoảng 150.000đ/kg trở lên… tổng thu được gần 3 tỷ đồng; trừ hết các chi phí còn lãi hơn 40%”.

Đây là mức giá cao nhất mà ông Ngoãn bán được từ nhiều tháng qua nên cả nhà đều phấn khởi. Chỉ chúng tôi 10 ao tôm gần đó đã được 3 tháng tuổi, dự tính hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch, “chiều hướng giá đang tăng thế này thì sẽ tiếp tục trúng mùa”.

Xã Vĩnh Trạch Đông có số hộ trúng tôm vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi hiện thời là mùa nghịch nên đồng tôm vắng hoe chẳng có ai thu hoạch. Không riêng gì Vĩnh Trạch Đông mà ở các huyện Đông Hải, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi… cũng ít ai còn tôm để bán dù giá tăng từng ngày.

Tại Bến Tre, tình hình cũng tương tự. Anh Hai Giang, ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại cho biết, ngày nào cũng có hàng chục thương lái tìm mua tôm nguyên liệu. Hiện thời 12 ao tôm nuôi quảng canh của anh thu hoạch mỗi ngày khoảng 100kg, trong đó phần nhiều là tôm loại 10 - 14 con/kg bán được giá 245.000đ/kg.

Theo UBND xã Thạnh Phước, hiện nay tôm không còn bao nhiêu, chủ yếu là những hộ đất nhiều và có vốn mới duy trì nuôi vụ nghịch và trúng giá. Kế hoạch vụ mới 2009 phải chờ đến ngày 1 - 3 mới thả lại, vì vậy ít nhất đến tháng 6, tháng 7 trở đi mới có tôm để bán. Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho hay, dù diện tích nuôi tôm của tỉnh lớn nhất cả nước với hơn 251.000ha nhưng thời điểm này sản lượng tôm rất ít.

Dù giá tôm tăng ngất ngưởng nhưng người nuôi chỉ biết chặc lưỡi đứng nhìn chứ không tài nào trở tay kịp. Tại Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… hàng loạt hộ nuôi tôm chịu chung số phận, có người đoán được giá tôm tăng vào sau tết tuy nhiên không thể kéo dài thời vụ được.

Doanh nghiệp và người nuôi đều lo lắng

Tôm tăng giá: Nhà máy “kêu trời”, nông dân nuối tiếc ảnh 2

“Vua tôm” Sáu Ngoãn kêu gọi nuôi thưa đảm bảo môi trường, phát triển bền vững

Giá tôm nguyên liệu tăng liên tục khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản như ngồi trên lửa. Ông Trần Thiện Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Hải, kêu: “Những ngày qua, chúng tôi đi khắp nơi tìm mua tôm nhưng bó tay. Không đủ nguyên liệu buộc nhà máy rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, không đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu”.

Đồng cảnh ngộ, Công ty Thủy sản Camimex tăng cường lực lượng xuống tận đồng tôm trực tiếp gặp dân để mua nhưng kết quả chẳng mấy khả quan. Lượng tôm khan hiếm dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà máy chế biến và thương lái mua tôm sống (tôm oxy) để bán cho các nhà hàng ở ĐBSCL, TPHCM… Thương lái sẵn sàng nâng giá cao nên các nhà máy không theo kịp.

Điều đáng quan ngại lúc này là dù giá tôm tăng nhưng không khí vào vụ mới hiện nay hết sức… uể oải. Tại các huyện Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân… (Cà Mau) số hộ thả giống chưa được bao nhiêu. Bạc Liêu lên kế hoạch nuôi 125.000ha tôm trong năm 2009, nhưng đến giờ này chỉ mới thả giống 75.000ha; trong đó tôm công nghiệp thả được hơn 1.000ha/9.000 ha. Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL và chính quyền địa phương cho biết, năm 2008 giá tôm xuống thấp, trong khi chi phí thức ăn tăng cao khiến người nuôi lỗ nặng.

Hiện thời nhiều hộ đã hết vốn, nợ ngân hàng chưa thanh toán nên không thể duy trì nuôi lại. Ở Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… hàng loạt ao tôm bỏ trống vì không khả năng phục hồi. Ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, thừa nhận: “Năm ngoái diện tích tôm công nghiệp của xã trên 397ha, nay điều chỉnh xuống 250ha nhưng khả năng không đạt.

Ngoài việc thiếu vốn thì đồng tôm đã bị suy thoái, xuống cấp trầm trọng dẫn đến dịch bệnh tràn lan”. “Vua tôm” Sáu Ngoãn phân tích: “Dân ĐBSCL quá lạm dụng nuôi dày, nuôi mật độ cao, nuôi quanh năm… buộc phải trả giá. Giải pháp cấp bách và lâu dài là nên nuôi thưa, nuôi rải vụ thì mới bền vững được”.

Thực tế ông Ngoãn thành công khi áp dụng mô hình nuôi thưa với mật độ từ 7- 9 con/m2 (thay vì nuôi 20 - 30 con/m2), đã hạn chế dịch bệnh, thiệt hại và tăng chất lượng. Đây là loại tôm sạch bán rất chạy và được giá cao. Ngoài ra, nhà nước nên tính toán lại giá thức ăn hiện quá cao khiến người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ kéo dài. Ông Ngoãn cho biết: “Thức ăn của ta dao động từ 20.000đ - 24.000đ/kg, cao gần gấp đôi so với Thái Lan, người nuôi tôm chỉ cần sơ sẩy hoặc gặp lúc rớt giá là lỗ trắng tay”. 

Tại Cà Mau, trên 31 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đang lâm vào cảnh hoạt động cầm chừng từ 20%- 40% công suất thiết kế. Bạc Liêu có 12 nhà máy chế biến chỉ chạy để giữ chân công nhân là chính. Với tình hình này, các doanh nghiệp tiên đoán kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2009 chỉ đạt khoảng 1,2- 1,3 tỷ USD, chứ không thể bằng 1,62 tỷ USD như năm 2008.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay, ngành nông nghiệp kêu gọi ngân hàng khẩn trương vào cuộc xem xét cho người dân vay vốn hoặc đáo hạn để nuôi lại. Nếu làm nhanh thì phải chờ ít nhất từ 4- 5 tháng nữa nguồn tôm nguyên liệu ở ĐBSCL mới phục hồi.

NGUYỄN DUY

Tin cùng chuyên mục