Tôm truy xuất nguồn gốc được nâng cao giá trị

Trên thị trường, nhiều thông tin “bẩn” về tôm khiến người tiêu dùng lo ngại. Vì vậy, nhằm tạo niềm tin cũng như để tăng giá trị sản phẩm tôm thì việc cần làm là phải truy xuất được nguồn gốc.

Quản lý chất lượng

Hiện HTX nuôi tôm Hiệp Thành (huyện Nhà Bè, TPHCM) đang phối hợp với Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM) thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG) đối với tôm và chuẩn bị thu hoạch mùa vụ đầu tiên. HTX Hiệp Thành có 11 thành viên, có 29ha nuôi tôm với 63 ao; trong đó 13,7ha (28 ao nuôi) đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng 550 tấn/năm. Đối với việc TXNG đang thực hiện rất thuận tiện nhờ HTX đã đầu tư công nghệ nuôi tiên tiến. Bên cạnh đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình nuôi công nghệ cao, tôm của HTX Hiệp Thành đã giảm được giá thành sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng. Để tạo chuỗi tôm sạch đến tay người tiêu dùng, HTX thực hiện TXNG tôm để quản lý tốt hơn về chất lượng cũng như thông tin minh bạch, chi tiết hơn từ ao nuôi đến cửa hàng bán lẻ.

Nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Hiệp Thành
 “Tuy tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP và được TXNG nhưng vẫn chưa thể vào siêu thị do HTX chưa có quỹ đất xây dựng nhà sơ chế, chế biến và thiếu kinh phí… Dù HTX đã xin chính sách hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi…”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc HTX Hiệp Thành, nêu những khó khăn còn tồn tại.


Với khát vọng nâng chất lượng tôm Việt Nam, Tập đoàn Việt - Úc đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, từ quy trình nuôi khép kín, TXNG đến việc kiểm soát vùng nuôi và dịch bệnh, phát triển thương hiệu, góp phần đưa con tôm trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Để chủ động nguồn giống đạt chất lượng không chỉ có sức đề kháng cao mà còn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương, Tập đoàn Việt - Úc đã hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài, trường đại học, viện nghiên cứu… tạo giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Tập đoàn đã hình thành khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao với các khâu nuôi, chăm sóc và chế biến tôm theo quy trình khép kín, kết hợp nhiều công nghệ vượt trội trong từng phân khúc. Khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, ao nuôi đều được lót bạt dưới đáy, nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng, tạo mô hình nuôi thân thiện với môi trường. Quá trình sử dụng nguồn nước nuôi tôm được xử lý qua 3 bước: hệ thống lọc phân, thức ăn thừa đưa ra thông qua màng lọc tự động, giúp nâng cao mật độ thả nuôi và gia tăng năng suất; hệ thống xử lý nước bằng đèn UV và cuối cùng nước thải sẽ được lọc sinh học theo công nghệ.

Khó khăn đầu ra

Theo Chi cục Thủy sản TPHCM, dù có đơn vị cung cấp phần mềm hướng dẫn, nhưng việc thực hiện TXNG vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là phần đông nông dân vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống và chỉ ghi chép quy trình VietGAP trên giấy; đồng thời các hộ nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nên khó hình thành chuỗi liên kết bền vững. Bên cạnh đó, kênh tiêu thụ của nông dân là ra chợ đầu mối, thường ít quan tâm đến tiêu chuẩn VietGAP, nên dù có TXNG cũng không tăng được giá trị con tôm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua bán đối với sản phẩm TXNG, ông Đinh Công Khánh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản TPHCM), cho biết: “Chi cục đã kết hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đưa con tôm TXNG thành chuỗi giá trị, giới thiệu với người tiêu dùng và các trường học, khu công nghiệp, bếp ăn tập thể…”.

Là đơn vị đang phối hợp với Chi cục Thủy sản TPHCM và HTX Hiệp Thành cung cấp phần mềm TXNG tôm, ông Bùi Huy Bình, Giám đốc điều hành Công ty CP Giải pháp và dịch vụ TXNG, nhìn nhận tôm TXNG sẽ kiểm soát được thông tin chăm sóc, thức ăn, công nghệ… nhưng đó chỉ là vấn đề phụ, cốt lõi hiện nay vẫn là đầu ra. Hiện nông dân vẫn chưa có hợp đồng bền vững. Sau khi thu hoạch ao tôm, HTX Hiệp Thành mang ra chợ đầu mối để tiêu thụ. Tại đây, thương nhân nào trả giá cao sẽ giao dịch thành công và có rất nhiều thương nhân, nhưng không phải ai cũng có mã code để nhập thông tin vào quy trình TXNG. Để chuỗi TXNG được định hình cố định từ chăn nuôi đến bàn ăn, nhà nước cần có vai trò khuyến khích, cơ chế, chính sách hỗ trợ. Quan trọng là nhà sản xuất và nhà bán lẻ cùng thực hiện, bởi nếu siêu thị khi cần sản phẩm TXNG sẽ có đơn vị cung cấp liền và siêu thị phải có chính sách ưu tiên. Để sản phẩm tăng giá trị thì chuỗi TXNG càng nhiều chủ thể càng tốt.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam, cho rằng việc TXNG phải thực hiện đồng bộ, từng chủ thể đều có mã code. Đối với một chuỗi hoàn thiện, nông dân nhập thông tin thức ăn, công nghệ, quá trình chăn nuôi; khi đến thương lái, siêu thị và người giao hàng cũng phải nhập quét mã code vào quá trình TXNG.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, chia sẻ TPHCM chưa chủ động được con giống cung cấp cho nông dân do nguồn nước, môi trường chưa sạch. Nông dân vẫn đang sử dụng giống từ nhiều nguồn, phần lớn từ thương lái, nên việc TXNG chỉ thực hiện ở công đoạn chăn nuôi. Trong chuỗi giá trị TXNG của ngành tôm, mảng giống luôn là phân khúc rất được chú trọng phát triển, bởi con giống là khâu quyết định thành công của một vụ nuôi. Tuy nhiên, nông dân vẫn mua con giống trôi nổi và sản xuất không cho đất “nghỉ ngơi” nên còn gây khó khăn trong việc TXNG. Song song đó, nhiều quy trình khác từ thức ăn, công nghệ cho đến nguồn nước thực hiện TXNG đối với con tôm cũng khó hơn sản phẩm khác.

Tin cùng chuyên mục