Đòi hỏi từ siêu thị
Năm 2018, vùng nuôi tôm ở huyện Nhà Bè (TPHCM) có diện tích 238ha, giảm 5ha so với năm 2017, thả nuôi 190 triệu con giống, sản lượng thu hoạch khoảng 1.400 tấn/năm. Tại huyện Cần Giờ, vùng nuôi tôm tập trung ở 4 xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn và Tam Thôn Hiệp, với diện tích hơn 5.500ha; trong đó, diện tích nuôi ao hơn 2.300ha, còn lại nuôi tôm sinh thái với sản lượng thu hoạch hơn 10.000 tấn/năm.
Vừa qua, Hội Nông dân TPHCM phối hợp các sở ban ngành thành lập đoàn giám sát vùng sản xuất tôm về điều kiện sản xuất, sử dụng vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh môi trường tại 2 huyện trên. Báo cáo với đoàn công tác, HTX Hiệp Thành (huyện Nhà Bè) cho hay, ban đầu HTX chỉ có 8 thành viên, sau gần 2 năm hoạt động lên 13 thành viên. Hiện nay, HTX Hiệp Thành có 85 ao nuôi tôm với diện tích 26,7ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha, loại 60 con/kg. Với nhiệm vụ đề ra nhằm mang lại lợi ích cho xã viên, HTX đã ký kết hợp đồng kinh tế với nhiều công ty cung cấp các loại vật tư nông nghiệp như thức ăn, tôm giống… có giá rẻ hơn thị trường từ 10% - 20%.
Đưa những chứng từ theo dõi quy trình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Trần Văn Mùa (HTX Hiệp Thành) khẳng định không có kháng sinh và cho biết nếu chẳng may tôm nuôi bị bệnh, tốt nhất là sử dụng các phương pháp chữa trị hoặc nuôi lại vụ mùa khác chứ không sử dụng thuốc kháng sinh, bởi chất này khi lắng đọng lại dưới bùn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vụ mùa sau khiến tôm dễ chết và phải xử lý rất nhiều lần mới trả lại môi trường “sạch” ban đầu. Công đoạn nuôi tôm khó nhất là ao ươm giống, nhưng hiện nay nông dân không thể đầu tư được nhà kính, dù Sở NN-PTNT TPHCM có chính sách hỗ trợ nhưng số vốn vay rất nhỏ.
Sau nhiều năm cố gắng và được chính quyền địa phương hỗ trợ, cuối cùng, con tôm của HTX Hiệp Thành cũng nuôi đạt chuẩn VietGAP. Tuy vậy, vẫn chưa thể đưa vào siêu thị tiêu thụ vì chưa có nhà sơ chế. Hơn nữa, siêu thị yêu cầu cung cấp khoảng 20kg/ngày và theo đúng lịch giao hàng, trong khi đặc thù ao tôm thu hoạch chỉ được một lần, nếu thu hoạch không hết thì số tôm còn lại sẽ chết do có tác động môi trường bên ngoài. Mỗi lần thu hoạch từ vài tấn/ao trở lên chứ không thể thu hoạch vài chục ký/ngày. Đó là chưa kể đến yêu cầu kích thước con tôm. Cho nên, con tôm VietGAP đành bán ra chợ đầu mối hoặc thương nhân đến mua theo ao, không phân biệt kích thước tôm.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc HTX Hiệp Thành, hiện nay HTX thiếu vốn sản xuất, chưa có trụ sở ổn định. Trước kia, HTX thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) nhưng giá thuê quá cao nên đành lui vào trong hẻm, mượn nhà xã viên để hoạt động. Địa bàn sản xuất của HTX tại xã Hiệp Phước. Khu vực này lại nằm trong quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước nên việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nuôi cho các thành viên gặp khó khăn, dẫn đến hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, chưa đồng bộ.
Hỗ trợ phát triển
Trên địa bàn huyện Cần Giờ có 63 cơ sở chế biến thủy sản, lượng thủy sản chế biến đạt khoảng 2.500 tấn/năm. Tuy nhiên, theo UBND huyện Cần Giờ, các cơ sở chế biến thủy sản còn mang tính nhỏ lẻ; chế biến theo phương thức truyền thống, chưa quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chưa ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến sản phẩm. Trên địa bàn huyện còn có 37 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Năm 2018, huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở với vi phạm.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, UBND huyện Nhà Bè và Cần Giờ đã phối hợp với các trạm chăn nuôi và thú y, Trạm thủy sản An Nghĩa, UBND các xã thường xuyên tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, hội thảo khuyến nông, trình diễn sản phẩm vật tư nông nghiệp qua các mô hình… Việc quan trắc, cảnh báo môi trường tiến hành định kỳ 2 lần/tháng. Nhờ vậy mà thông tin kịp thời cho bà con nông dân về biến đổi chất lượng môi trường nước trong vùng nuôi, cảnh báo tình hình dịch bệnh để hộ nuôi quản lý tốt chất lượng nước trong ao nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Theo UBND huyện Cần Giờ, địa phương gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, nhân lực giám sát ít nên việc quản lý gặp không ít trở ngại. Số lượng, chủng loại thuốc vật tư, chế phẩm thủy sản lưu hành trên thị trường quá nhiều. Các cơ quan kiểm tra thuộc Sở NN-PTNT chưa phối hợp với địa phương trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm, dẫn đến tình trạng một số cơ sở nhiều lần vi phạm. Một số cửa hàng đối phó bằng cách đóng cửa khi có đoàn kiểm tra. Một số bộ phận nông dân chỉ quan tâm đến giá cả vật tư nông nghiệp mà ít quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Ở huyện Nhà Bè có 7 cơ sở lớn nên chấp hành khá tốt, chỉ hộ nhỏ lẻ chưa thực hiện tốt về sản xuất thực hành an toàn. Cùng chung tay tháo gỡ với HTX Hiệp Thành, ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết: “Rối ren trong tìm quỹ đất công để đặt trụ sở và nhà sơ chế như quỹ đất sạch, đấu thầu công khai và đặc biệt xin ý kiến Sở TN-MT tham mưu nhưng lâu nay vẫn chưa có phản hồi. Để nâng cao giá trị con tôm, huyện đầu tư hệ thống thủy lợi bài bản và giám sát liên tục mối nguy hại môi trường. Trong năm 2018, UBND huyện Nhà Bè đã chuyển dịch thành công và chính thức hình thành vùng nông nghiệp đô thị đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với 280ha ở xã Long Thới và nhiều điểm dân cư nông thôn phục vụ sản xuất nhỏ, lẻ”.
Bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT TPHCM), nhận xét, việc HTX Hiệp Thành đàm phán, cung cấp thuốc vật tư nông nghiệp cho xã viên với giá thấp hơn thị trường được xem là hình thức kinh doanh tốt. Chi cục sẽ hỗ trợ để HTX sớm đăng ký kinh doanh với UBND huyện Nhà Bè. Ngoài các sản phẩm xử lý nước, thức ăn bổ sung không cần chứng chỉ hành nghề, các sản phẩm còn lại thuộc danh mục của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) phải kê khai để Sở NN-PTNT TPHCM quản lý.