Tổng Công ty Lương thực miền Nam: Khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh

Từng là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, địa phương đi đầu về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, ông Huỳnh Thế Năng đã được Thủ tướng bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc (TGĐ) Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ngày 15-4. Sau 1 tháng tại chức, ông đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về chuỗi ngành hàng lúa gạo, việc xuất khẩu (XK) gạo, cũng như những vấn đề nội tại của Vinafood 2...
Tổng Công ty Lương thực miền Nam: Khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh

Từng là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, địa phương đi đầu về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, ông Huỳnh Thế Năng đã được Thủ tướng bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc (TGĐ) Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ngày 15-4. Sau 1 tháng tại chức, ông đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về chuỗi ngành hàng lúa gạo, việc xuất khẩu (XK) gạo, cũng như những vấn đề nội tại của Vinafood 2...

Vượt qua chính mình

Ông Huỳnh Thế Năng

Ông Huỳnh Thế Năng

- Phóng viên: Xin chào tân Tổng giám đốc, Vinafood 2 vừa có cuộc họp với 7 tỉnh vùng ĐBSCL về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó có sự tham gia của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), đơn vị đi đầu xây dựng “cánh đồng lớn (CĐL)”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự hợp tác này?

>> Ông HUỲNH THẾ NĂNG: Đây là chuyện cần và nên làm trong việc thực hiện mô hình liên kết; đây cũng là câu chuyện vượt qua chính mình của tổng công ty (TCT), phải làm căn cơ trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt với các nước XK gạo. Sự có mặt của AGPPS cũng không tình cờ. Vinafood 2 có hệ thống kho hàng, lò sấy trải khắp vùng ĐBSCL và có đội ngũ chuyên môn dày dạn thương trường quốc tế. AGPPS lại có kinh nghiệm về việc xây dựng các CĐL. Nếu có sự hợp tác cũng là tất nhiên trong quá trình hoạt động. Hai bên  đang soạn thảo kế hoạch hợp tác liên quan đến vấn đề này trong việc cùng sắp xếp lại chuỗi ngành hàng lúa gạo ĐBSCL.

- Trong kinh doanh, chuyện thắng thua là điều luôn xảy ra. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề kinh doanh thua lỗ của một số đơn vị thành viên trong Vinafood 2, đặc biệt với Công ty Võ Thị Thu Hà?

Gần đây một số báo có thông tin về vấn đề này. Số liệu qua kiểm tra cho thấy: Năm 2013 các thành viên Vinafood 2 lỗ 210,2 tỷ đồng, nợ khó đòi của 6 công ty trực thuộc là 623,2 tỷ đồng phải thu hồi từ các công ty: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH MTV Hòa Tân Lộc, Công ty TNHH Đầu tư Bình Lợi và Công ty cổ phần Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum qua những hợp đồng mua bán gạo, sắn lát năm 2013. Mọi việc sẽ được làm rõ vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6 này khi Thanh tra Chính phủ triển khai việc thanh tra Vinafood 2 từ năm 2010 đến năm 2013.

Xây dựng lộ trình cổ phần hóa 

- Liên quan đến vấn đề đấu thầu XK gạo sang Philippines, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phân bổ chỉ tiêu các đơn vị tham gia tạm trữ gạo. Nhưng theo VFA, một số công ty trả lại chỉ tiêu XK này, không thực hiện qua hợp đồng ủy thác với Vinafood 2. Ông có thể cho biết thêm vấn đề này?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Vinafood 1 và 2 dự thầu cung cấp gạo cho Philippines. Kết quả, cả 2 trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo 15% tấm cho Philippines, trong đó Vinafood 2 trúng thầu 600.000 tấn. Hiện có khoảng 140.000 tấn gạo theo chỉ tiêu bị một số doanh nghiệp (DN) từ chối với lý do: sợ lỗ, quy định nghiêm ngặt trong hợp đồng và vấn đề bao bì. Tôi nghĩ còn các lý do khác chưa được đề cập như: giao chỉ tiêu cho đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh gạo cao cấp, gạo thơm; sự “thấm đòn” của hầu hết DN do suy thoái kinh tế nói chung; cũng như khó khăn khách quan của ngành gạo. Vấn đề phạt, các điều kiện dự thầu và ký kết hợp đồng sau khi trúng thầu với Philippines của 2 TCT là giống nhau.

Việc Vinafood 2 có phụ kiện kèm theo hợp đồng ủy thác XK gạo đi Philippines ghi rõ các khoản phạt cụ thể nếu gạo không đạt chất lượng theo điều kiện thầu đã ký là nhằm công khai các quy định ràng buộc về trách nhiệm của các bên nhằm tránh sự cố đáng tiếc nếu có tranh chấp về chất lượng sau này. Trong hợp đồng của Vinafood 2 có phụ lục phạt, nhưng thực chất đã đưa ra từ ban đầu. Vì phải vận chuyển xa với điều kiện đảm bảo chất lượng đến kho nhận nên bao bì đòi hỏi phải chất lượng. Các đơn vị đã được VFA phân bổ chỉ tiêu nhưng không thực hiện sẽ làm việc giao hàng không đạt tiến độ, làm mất uy tín phía Việt Nam và tạo áp lực lên Vinafood 2 một cách không công bằng.

Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn. Ảnh: CAO PHONG

Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn. Ảnh: CAO PHONG

- Thưa ông, những khó khăn này có làm Vinafood 2 mất phương hướng?

Những vấn đề khó khăn nội tại của TCT, ban lãnh đạo hiện nay có những giải pháp quyết liệt để khắc phục, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Bước đầu chúng tôi đạt được những đồng thuận quan trọng. Đó là củng cố chất lượng thông tin gắn với cải thiện quản trị. Tôi đã phê duyệt lộ trình 2 giai đoạn trong 6 tháng với một phó TGĐ phụ trách. Tiếp đó rà soát và tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu lại TCT, định ra cơ chế kiểm tra và thu hồi công nợ. Có ban chỉ đạo kiểm tra và theo dõi xử lý. Một phó TGĐ phụ trách xử lý, trong đó hướng tới việc khởi kiện để thu hồi nợ và có giải pháp xử lý những cá nhân liên quan.

Ban chỉ đạo thứ 2 phụ trách việc cắt giảm lỗ phần kinh doanh thủy sản và lành mạnh hóa tài chính ngành kinh doanh lương thực do tôi làm trưởng ban. Song song đó định ra lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn. Chúng tôi cũng sắp xếp, chuyển thành công ty TNHH những đơn vị từ các công ty hạch toán phụ thuộc TCT nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm. Điều chỉnh và tái cơ cấu cơ bản Vinafood 2, liên quan đến tài chính, thoái vốn, cổ phần hóa.

Ngoài ra, đổi mới tư duy về thị trường, chuyển từ hợp đồng tập trung (điều kiện ngày càng khó) sang việc mở rộng các hợp đồng thương mại. TCT rất chuyên nghiệp về thương mại hạt gạo, nhưng để phát triển bền vững phải chuyển sang tiếp cận việc kinh doanh từ hạt lúa với 2 giải pháp là mô hình liên kết và xúc tiến thương mại. Điều này vừa thực hiện vừa hợp tác với AGPPS cùng khai thác ưu điểm lẫn nhau để mở rộng CĐL. Hợp tác với các vụ của Bộ Công thương nhằm bổ sung đề cương mở rộng hợp đồng thương mại nhiều nước khác. Với phương hướng và hành động cụ thể như trên không thể có chuyện Vinafood 2 mất phương hướng.

- Cảm ơn ông!

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục