Tổng cung tiền tệ sẽ được điều chỉnh giảm

(SGGPO).- Sáng nay, 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2010 và tình hình triển khai ngân sách nhà nước năm 2011. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ của các ủy ban về các vấn đề nêu trên.

Theo đó, sau khi đánh giá lại, một số chỉ tiêu đã đạt mức hoàn thành cao hơn dự kiến. Đơn cử, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lên đến 26,4% (ước hoàn thành là 19,1%), tăng 26,4% so với năm 2009 và gấp 4 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Thu ngân sách nhà nước đạt 570.288 tỷ đồng, vượt 23,6% so với dự toán năm và tăng 8% so với báo cáo Quốc hội (42.188 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2009 và bằng 41,9% GDP (kế hoạch là 39,5% GDP).

Tổng hợp lại, trong tổng số 21 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, chỉ có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Đó là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI); tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom; tuyển mới đại học cao đẳng và tỷ lệ che phủ rừng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, nhìn chung, trong tháng 1, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 2 lần chỉ tiêu kế hoạch, nhập siêu giảm, dịch vụ tăng khá... Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, một thực tế đáng lưu ý là giá cả thị trường có biến động lớn, lạm phát ở mức khá cao.

“Hôm qua, Thường trực Chính phủ đã họp, chuẩn bị ra nghị quyết với nội dung chính là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tuần tới Chính phủ sẽ họp, phổ biến “thông điệp” quan trọng này tới các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm.

Bảy giải pháp quan trọng cần triển khai trong năm 2011 đã được  nêu rõ trong bản Báo cáo của Chính phủ, bao gồm kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường...

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, tính đến 31-12-2010, tổng thu cân đối đạt 559.170 tỷ đồng, vượt 21,2% (97.670 tỷ đồng) so với dự toán, tăng thêm 31.070 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2010; trong đó thu ngân sách Nhà nước vượt lớn,  ngân sách Trung ương vượt tới 48.584 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 109.460 tỷ đồng, bằng 5,6% GDP; giảm 0,6% GDP so với dự toán, giảm được thêm 0,2% so với số đã báo cáo Quốc hội. Tháng đầu năm 2011, tình hình thu chi ngân sách được coi là tích cực, nhờ diễn biến khả quan của hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2010. 

Liên quan đến Nghị quyết sắp được quán triệt đến các địa phương mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh làm rõ thêm: “Tinh thần sẽ là siết chặt hơn các chính sách tài chính, tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Hướng là số thu sẽ tăng lên, trong khi tiếp tục tiết kiệm chi. Tổng cung tiền tệ ra thị trường cũng sẽ được điều chỉnh giảm so với dự kiến trước đây”.

Tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2010, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc số thu vượt dự toán quá lớn (21,2%) là vấn đề cần được xem xét, phân tích kỹ hơn; cần rà soát lại chất lượng công tác lập dự toán; dự báo thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, xu hướng tăng chi lớn cần được lưu  ý, nhất là đầu tư công có xu hướng tăng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn so với tổng đầu tư toàn xã hội. Chỉ số ICOR tăng lên nhanh chóng, đặc biệt ở kênh đầu tư từ ngân sách nhà nước là một nguyên nhân góp phần làm tăng lạm phát...

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục