Ngày 7-3 vừa qua, Công ty Vissan đã tổ chức phiên đấu giá cổ phiếu ra công chúng. Đây là một trong số ít doanh nghiệp (DN) bán đấu giá thành công trong lần đầu tiên. Vissan sẽ làm gì ngay sau khi thực hiện cổ phần hóa? Đâu là tiêu chí, là giá trị cốt lõi mà Vissan đang hướng tới? PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Văn Đức Mười (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Vissan những vấn đề nêu trên.
° Phóng viên: Chúc mừng ông và công ty đã thành công trong đợt IPO đầu tiên ra công chúng. Ông có hài lòng với mức giá bình quân hơn 80.000 đồng/cổ phiếu?
Ông VĂN ĐỨC MƯỜI: Tôi rất hài lòng về kết quả này. Với mức giá bình quân 80.000 đồng/cổ phiếu và giá khớp lệnh 67.000 đồng/cổ phiếu đã thể hiện đúng thực lực và giá trị của Vissan ở thời điểm hiện tại. Với bề dày 46 năm hình thành và phát triển, trải qua bao thăng trầm, trưởng thành cùng với các bước chuyển mình của nền kinh tế từ bao cấp đến kinh tế thị trường mở cửa, đến nay, thương hiệu Vissan với hình ảnh 3 bông mai vàng đã trở thành một thương hiệu thân quen với mọi tầng lớp người tiêu dùng Việt Nam. Sản phẩm Vissan gần như hiện diện trong bữa ăn của hàng triệu gia đình… Con số 65% thị phần xúc xích hay 75% thị phần lạp xưởng, sở hữu hệ thống phân phối đa dạng, phong phú với hơn 130.000 điểm bán trên toàn quốc, đã minh chứng cho điều đó.
° Hài lòng có đến từ sự bất ngờ không, thưa ông?
Có. Có bất ngờ. Vì theo dự kiến của chúng tôi, giá khớp lệnh nếu đạt mức 50.000 đồng/cổ phiếu đã là quá tốt. Nhưng giá lên đến 67.000 đồng, vượt ngoài sự mong muốn của chúng tôi.
° Đâu là tiêu chí để Vissan chọn làm nhà đầu tư chiến lược? Hiện với các nhà đầu tư ngoại đang “vây quanh” Vissan, vậy DN nào được ông quan tâm nhất?
Vissan là một DN sản xuất và chế biến thực phẩm có bề dày thương hiệu, với tổng doanh thu trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng/năm. Tôi nói điều này để thấy Vissan không bị gánh nặng chi phí tài chính là nhờ có phương án sản xuất kinh doanh tốt, nên ngân hàng tin tưởng cho vay với lãi suất rất thấp và không thế chấp. Nói thẳng là Vissan không thiếu tiền.
Điều chúng tôi cần lúc này là một đối tác cùng chí hướng đẩy mạnh thương hiệu Vissan. Vì thế, các công ty và tập đoàn tài chính sẽ không phải là đối tác mục tiêu của công ty. Mặt khác, trong điều khoản tìm nhà đầu tư, Vissan cũng đã nêu rõ mong muốn với những đòi hỏi cao. Ví dụ, đối tác phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, có chức năng, ngành nghề kinh doanh phù hợp với Vissan. Đối tác còn phải có uy tín, kinh nghiệm, năng lực nhằm mục đích tạo nên giá trị cộng hưởng với Vissan… Cũng phải nói thêm, giá trị cộng hưởng mà Vissan nhắc đến là khả năng phát triển chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Đây là mục tiêu mà công ty mong muốn thực hiện từ nhiều năm nay và đang cố gắng hoàn thành. Vì thế, một trong những mục tiêu của lần “kén rể” này là nhằm đẩy mạnh thực hiện chuỗi khép kín và chuỗi cung ứng thịt sạch.
Có 3 đối tác hội đủ các tiêu chí và được chúng tôi quan tâm nhất, đó là Tập đoàn CJ CheilJadang Corporation (Hàn Quốc); Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp quốc tế (Anco) và Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco). Hiện CJ CheilJadang Corporation là DN FDI, còn Anco và Proconco đều là DN trong nước. Các DN này đã có thế mạnh quản trị tiên tiến. Thực tâm, chúng tôi không quan tâm đến DN nội hay ngoại nhưng nếu DN nào muốn đi đường dài cùng Vissan, có chiến lược kinh doanh tốt và chia sẻ các giá trị cốt lõi với cộng đồng, đó sẽ là đối tác chúng tôi cần. Và cả 3 DN nêu trên đều làm chúng tôi yên tâm.
Sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG
° Việc các nhà đầu tư ngoại dồn sự quan tâm cũng như kỳ vọng quá lớn vào Vissan nói lên điều gì? Cá nhân ông có bị áp lực bởi cổ phần hóa không?
Tôi tin rằng chúng ta đều tự hào về một thương hiệu Việt tồn tại hơn 40 năm và ngày càng lớn mạnh. Còn với các đối tác, họ đến với Vissan trên cơ sở sẽ đồng hành cùng chúng tôi để có thể thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc 3M mà công ty đã và đang hướng đến, bao gồm money (tiền), meaning (ý nghĩa) và mission (sứ mệnh). Ngày 15-4 tới, Vissan sẽ công bố việc đưa ra 100% lượng thịt heo đạt chuẩn VietGAP ra thị trường cũng không nằm ngoài mong muốn là cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân TPHCM. Cá nhân tôi cũng đang chịu nhiều sức ép, đó là cổ phần hóa quá trễ. Tôi mong muốn nó phải diễn ra sớm hơn và sau cổ phần hóa thì Vissan phải được niêm yết sớm và phải được thoái vốn sớm. Cổ phần hóa sẽ giúp chúng tôi thực thi được những cơ chế chính sách mới nhưng vẫn sẽ bảo toàn và phát triển tốt đồng vốn, gắn với phát triển thương hiệu.
° Việc cần làm của Vissan ngay sau khi cổ phần hóa là gì, thưa ông?
Tôi phải hoạch định chiến lược kinh doanh thật chi tiết trong 5 năm, kể cả lộ trình thoái vốn. Tất nhiên, những vấn đề này sẽ được thảo luận kỹ trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông đầu tiên vào ngày 29-4 tới, còn với trách nhiệm của tôi, sẽ làm với tất cả tinh thần, trách nhiệm của mình.
° Ông có thể nói cụ thể hơn chiến lược phát triển của Vissan trong giai đoạn mới? Vissan sẽ chuẩn bị những hành trang gì để cạnh tranh trong tiến trình hội nhập?
Việc lựa chọn các đối tác chiến lược, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí không nằm ngoài mục tiêu tập trung phát triển giá trị cốt lõi của công ty là cung cấp thực phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng. Để theo đuổi sứ mệnh ấy, Vissan không ngừng đầu tư để trở thành nhà sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm lớn nhất cả nước, vươn ra khu vực và thế giới; hướng đến hoàn thiện chuỗi cung ứng feed - farm - food “từ trang trại tới bàn ăn”, truy xuất nguồn gốc; phát triển mạng lưới phân phối. Cụ thể là dự án đầu tư cụm công nghiệp chế biến tại Long An, dự án đầu tư cụm logistics, phân phối và điều hành kinh doanh tại Khu công nghiệp Tân Tạo, mở rộng và đầu tư mới thêm nhiều trại chăn nuôi Gò Sao ở Bình Dương và Bình Thuận... Từ việc đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu, chúng tôi sẽ định hướng cho người chăn nuôi để họ làm ra sản phẩm theo quy cách của Vissan nhằm khép kín quy trình, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nói cách khác, việc cổ phần hóa của Vissan sẽ gắn với mục tiêu huy động vốn, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mới hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN, cung ứng nguyên vật liệu và hợp tác đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chiến lược phát triển của công ty, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong điều kiện hội nhập, tiếp tục giữ gìn thương hiệu Vissan. Để cạnh tranh trong giai đoạn mới, Vissan ngoài việc làm tốt các nội dung trên, đồng thời sẽ tập trung cho mảng xuất khẩu sản phẩm sang các nước để tạo bước đi vững chắc.
° Muốn đẩy nhanh việc khép kín quy trình sản xuất - chế biến nhưng trên thực tế, việc xây dựng Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An cũng bị trễ tới vài năm, đâu là nguyên nhân?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do phải triển khai trong thời điểm phù hợp nhất định. Nếu chúng ta thiếu vốn thì có thể huy động được. Nhưng khi thị trường chưa hội đủ các yếu tố thì việc triển khai siêu nhà máy có sử dụng được hay không, đó là vấn đề. Hiện nay, ở khu vực ngoại thành, chúng ta vẫn chưa kiên quyết xử lý việc giết mổ gia súc tràn lan, thiếu tập trung, dẫn đến nhiều nhà máy được đầu tư không phát huy tốt năng lực. Về chủ quan, chúng tôi cũng nhận trách nhiệm về việc chưa mặn mà trong đầu tư, bởi thủ tục còn quá rườm rà, làm nản lòng DN. Nhưng khi cổ phần hóa, vấn đề này phải được giải quyết ngay. Chắc chắc trong năm 2016, dự án sẽ tiếp tục vì chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục.
° Xin cảm ơn ông!
Thúy Hải (thực hiện)